MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài về sau. Ảnh minh họa.

Rợn người với cuộc gọi kể về việc thầy giáo xâm hại học sinh

LHOA LDO | 05/12/2018 14:53
Hiện nay, tình trạng xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em rất đáng báo động, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý vấn đề trên gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 5.12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tọa đàm "Bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái - khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ".

Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em nhưng có thể ước tính khoảng trên 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời.

Theo báo cáo được Bộ LĐTBXH công bố tại cuộc tọa đàm thì có tới 11% học sinh bị xâm hại ít nhất 1 lần, 31,2% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

Đặc biệt, thời gian qua đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Thậm chí nhiều vụ việc, thủ phạm lại chính là người thân ruột thịt của các em gái.

Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Thu Hà-đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam -cho biết thêm, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có 1 người bị bạo lực tình dục. 1/3 nữ thanh niên, thiếu niên bị ép buộc quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, chỉ 2% nạn nhân dám đứng lên tố cáo. Đặc biệt có đến 65% người chứng kiến lại "thờ ơ" với các hành vi bạo lực, họ không tố cáo hoặc đứng ra làm chứng.

Trao đổi tại tọa đàm, TS luật Trần Thị Lịch-nguyên thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái)- cho biết, việc phát hiện và xử lý với những vụ việc xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em rất khó khăn. Nguyên nhân do người bị hại không tố cáo hoặc sau đó thay đổi lời khai, bảo vệ bị cáo. 

Từng có thời gian dài tiếp xúc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý qua điện thoại, bà Lịch thông tin: "Tôi đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại của những thầy giáo chia sẻ rằng họ đã quan hệ với rất nhiều em học sinh lớp 5-6 và lớp 7". Tuy nhiên, hầu hết học sinh nữ bị xâm hại tình dục đều không  tố cáo. 

Theo bà Lịch, điều đáng nói hơn, chỉ sau khoảng 3-5 ngày thì các em học sinh này lại tìm đến thầy giáo để tiếp tục quan hệ tình dục.

Để giải quyết vấn đề bạo lực từ nhiều phía khác nhau, một số ý kiến đề nghị cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng, bao gồm: các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin dễ tìm, dễ tiếp cận với nạn nhân bị bạo lực tình dục. Bên cạnh đó, cần thay đổi suy nghĩ, thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm cả quấy rối tình dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn