MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở xã Ia Rsai lấm chiếm đất lâm nghiệp để trồng lúa. Ảnh: T.T

"Rót tiền" trồng rừng, khi bất thành thì... vì dân không mặn mà

THANH TUẤN LDO | 18/08/2022 17:08

Gia Lai – Dự án trồng rừng keo nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mang lại nguồn lợi nhuận cho người dân địa phương ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, vì những bất cập về cách thực hiện chính sách trồng rừng đã khiến dự án “phá sản”, gây lãng phí, tốn kém kinh phí ngân sách.  

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, có gần 74.000ha rừng tự nhiên và gần 27.000ha đất chưa có rừng. Từ năm 2018 - 2020, diện tích đất trống đã được UBND huyện Krông Pa cho các hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng sản xuất theo Quyết định 38/2016/QĐ - TTg.

Trong thời gian này, 300 hộ dân đăng ký tham gia trồng tổng cộng 417ha rừng. Trong đó, năm 2018, UBND huyện Krông Pa đã giải ngân hơn 330 triệu đồng để 149 hộ trồng gần 145ha keo lai.

Tuy nhiên, đến nay, 92ha cây trồng bị chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu, số còn lại tỉ lệ cây chết nhiều, cây sống rải rác. Năm 2019, huyện Krông Pa giải ngân 415 triệu đồng để trồng 105ha keo lai. Đến nay có 76ha cây đã chết, không đạt yêu cầu để nghiệm thu; 28ha có tỉ lệ cây sống dưới 50%....

Rừng keo lai bị chết yểu, còi cọc giữa ruộng lúa người dân canh tác vốn là đất lâm nghiệp. Ảnh T.T

Ông Vũ Đức Dân – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, huyện Krông Pa – cho biết, thực tế người dân địa phương không mặn mà với công tác trồng rừng. Vì trên địa bàn không có nhà máy thu hoạch, chế biến cây keo lai. Nguồn đất đai khô cằn, thời tiết ở “chảo lửa” Krông Pa quá nóng nên cây keo khó sinh sống và phát triển tốt thành rừng.

“60ha đất trồng cây keo là đất lâm nghiệp do Ban quản lý, tuy nhiên tỉ lệ sống chỉ đạt hơn 10%. Hầu hết khu vực trồng cây keo đều bị người dân lấn chiếm trái phép, canh tác trồng lúa, trồng mì và cây hoa màu trái phép. Bởi đời sống người dân khó khăn, cây ngắn ngày sớm thu hoạch đổi được gạo, thịt, ổn định đời sống cho họ qua mùa giáp hạt. Có nơi người dân còn phá cây keo để cây lúa phát triển”, ông Dân nói.

Dù được nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống nhưng người dân không mặn mà với trồng cây keo lai. Ảnh T.T

Ông Hồ Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Krông Pa – cho biết, nguyên nhân của việc trồng rừng không… thành rừng là do nhiều bất cập về cơ chế, chính sách. Các diện tích đất trống để trồng cây keo có hình thế “da báo”, manh mún, nhỏ lẻ. Nếu như người nông dân trồng lên thành rừng thì cũng rất khó để khai thác cây keo do địa hình đồi núi xa xôi, cách trở. Hoặc nếu khai thác được thì cũng lỗ vốn do chi phí thu hoạch cao.

Ông Thảo đề nghị, trước khi thực hiện chính sách trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cần nghiên cứu kỹ, tránh gây lãng phí, tốn kém. Thay vì trồng cây keo lai thì nhà nước có thể hỗ trợ nguồn giống cây điều, cây huỳnh đàn có giá trị kinh tế cao, dễ dàng khai thác. Khi người nông dân nhìn thấy lợi nhuận kinh tế họ sẽ tin tưởng làm theo. Cây điều, cây huỳnh đàn cũng giúp đạt mục tiêu đạt độ che phủ của rừng chứ không nhất thiết phải là cây keo lai.

Không chỉ Krông Pa mà các huyện như Ayun Pa, Phú Thiện, Chư Pưh… công tác trồng rừng hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân với sự trợ giúp nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chưa đạt được hiệu quả, nhiều diện tích rừng bị chết, kém phát triển.    

Tình trạng xâm lấn đất lâm nghiệp ở Gia Lai để làm nương rẫy diễn ra nhiều nơi, nhức nhối. Theo UBND tỉnh Gia Lai, số liệu hiện trạng rừng trên bản đồ chưa thực sự phản ảnh đúng với hiện trạng rừng ngoài thực địa. Nhiều vị trí trên bản đồ thể hiện là rừng nhưng ngoài thực địa là nương rẫy…

Nguyên nhân do việc rà soát hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng qua các năm 2008, năm 2014 và năm 2017 còn nhiều sai sót. Vì vậy, nạn lấn chiếm đất cũng gây khó khăn cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn