MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rừng bạch đàn trong khu di tích Ghềnh Ráng bị khai thác "rầm rộ"

Hoài Luân LDO | 02/10/2022 11:36

Bình Định - Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng khai thác cây rừng trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu dừng việc chặt phá cây rừng, trồng lại rừng, trả lại cảnh quan môi trường di tích.

Khai thác cây rừng trong khu di tích

Những ngày cuối tháng 9.2022, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng một số đối tượng tự ý khai thác cây rừng trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, phóng viên đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu rõ vụ việc.

 Khu du lịch Ghềnh Ráng thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. 

Tại Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hàng trăm gốc cây bạch đàn lớn, nhỏ đã bị đốn, hạ sát gốc, trong đó nhiều gốc cây có đường kính từ 20-40cm.

Trong Khu di tích này có một con đường tiếp giáp mặt biển, nối liền từ Khu du lịch Ghềnh Ráng với Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Tuy nhiên, con đường này nhiều năm nay đã bị chặn không cho du khách và người dân địa phương qua lại. Đây cũng chính là con đường duy nhất để các đối tượng vận chuyển cây rừng ra ngoài để tiêu thụ.

Gốc cây bạch đàn có đường kính lớn bị cưa hạ. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ ngày 15.11.1991.

Tại các vị trí dọc tuyến đường tiếp giáp mặt biển trong Khu du lịch Ghềnh Ráng, ông Lê Minh Tài (SN 1960, trú tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đã tổ chức khai thác bạch đàn với diện tích khai thác ước chừng khoảng 2 ha. Năm 1990, ông Tài khai hoang, năm 1993 xin giao đất để trồng rừng theo dự án PAM-4304.

Cây bạch đàn khai thác được chất thành đống đợi đưa ra ngoài tiêu thụ.

Năm 2004, Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ràng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn thuê đất để thực hiện đầu tư xây dựng Khu du lịch đồi Ghềnh Ráng (giai đoạn 1).

Cây rừng được tập kết trong khu Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hòa.  

Năm 2006, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Định, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm kê về đất đai, vật kiến trúc, cây cối hoa màu để tính giá trị bồi thường thiệt hại do thu hồi đất giải phóng mặt bằng để giao Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn đầu tư xây dựng Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2).

Cần trả lại cảnh quan môi trường cho khu di tích

Trao đổi về tình trạng trên, ông Võ Chí Thiện - Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cho biết, qua thông tin báo chí phản ánh, phường xác minh người đang khai thác cây rừng trong khu vực thắng cảnh Ghềnh Ráng là ông Lê Minh Tài, người đang sử dụng 7ha đất canh tác để trồng bạch đàn.

Gỗ nằm ngổn ngang dưới chân núi Xuân Vân.

"Khi nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng giao cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn đầu tư xây dựng Khu du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2), nhưng do ông Tài chưa nhận đền bù nên vẫn khai thác đến nay. Vừa rồi, ông có đơn xin khai thác bạch đàn và UBND phường đã đồng ý cho phép thực hiện trong tháng 9.2022. Còn việc tuyến đường giáp biển bị chặn lại là do các đơn vị quản lý muốn bảo vệ khu vực mình quản lý", ông Thiện thông tin thêm.

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: Đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Thanh tra Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin TP Quy Nhơn, UBND phường Ghềnh Ráng đi kiểm tra thực tế hiện trạng chặt phá cây rừng trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng.

Khung cảnh trơ trụi tại khu vực núi Xuân Vân. 

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Bảo tàng đã lập biên bản và đề nghị UBND phường Ghềnh Ráng yêu cầu người dân dừng chặt phá cây bạch đàn, dọn dẹp, xử lý vệ sinh khu vực khai thác và trồng lại rừng trả lại cảnh quan môi trường di tích.

"Việc UBND phường Ghềnh Ráng cho phép ông Tài khai thác bạch đàn trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng mà chưa hỏi ý kiến Bảo tàng Bình Định là không đúng, như vậy là xâm phạm, phá vỡ cảnh quan di tích. Nếu tình trạng chặt phá cây rừng trong khu di tích vẫn tái diễn thì trách nhiệm đó thuộc về Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng", ông Tĩnh khẳng định.

Ông Trần Văn Phúc -  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, trồng rừng sản xuất theo dự án PAM-4304 thì cây bạch đàn, keo đều được gọi là cây rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn