MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rừng bị phá trong lúc chờ nhà đầu tư mới

PHAN TUẤN - BẢO TRUNG LDO | 29/11/2023 15:48

Đắk Lắk - Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn có dấu hiệu tiếp diễn, nhất là tại vùng dự án đang chờ bàn giao cho đơn vị mới tiếp tục đầu tư.

Khó khăn trong việc giữ rừng vùng biên

Những ngày cuối tháng 11.2023, mất hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển từ TP.Buôn Ma Thuột về huyện biên giới Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), đến tới tiểu khu 267 - 268 (khu vực rừng đang tạm thuộc UBND xã Ea Bung quản lý) chúng tôi tận thấy hàng loạt cây rừng nằm ngã đổ la liệt cạnh ngay cạnh dọc tuyến đường Quốc lộ 14 (vùng giáp ranh với Vương Quốc Campuchia).

Dừng phương tiện di chuyển, chúng tôi vào quan sát sơ bộ, ước tính diện tích rừng bị phá vào khoảng gần 1ha, nhiều cây lớn ngã đổ vẫn chưa có người thu dọn, xử lý và vết cắt, cưa vẫn còn rất mới. Có khả năng khu vực này bị các nhóm đối tượng phá hoại nhằm mục đích lấn chiếm lấn đất rừng làm rẫy.

Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: Bảo Trung

Được biết, phần diện tích bị phá nói trên trước đây thuộc đất đã thu hồi của Công ty Địa ốc Thái Bình Phát và đang tạm được bàn giao cho UBND xã Ea Bung quản lý, bảo vệ trước khi chờ UBND tỉnh Đắk Lắk có phương án bàn giao cho đơn vị khác.

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Ea Bung: Tổng diện tích đất bị cày xới khoảng 0,75 ha. Qua kiểm tra tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định có tất cả 136 cây rừng bị cắt hạ bằng cưa xăng và ngã đổ theo nhiều hướng khác nhau.

Chủng loại cây rừng bị cắt hạ chủ yếu là cây dầu, cà chít... Vị trí mặt cắt của cây cách mặt đất khoảng từ 10 cm đến 20 cm. Chiều cao thân cây khoảng từ 3,5m đến 7m, đường kính từ 6cm đến 20cm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Lực lượng chức năng chưa xác định các đối tượng phá, lấn chiếm đất rừng. Ảnh: Phan Tuấn

Chưa xử lý dứt điểm

Ông Nguyễn Ngọc Luật - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp) cho biết: Tại tiểu khu 267 - 268 đã có một số đối tượng lén lút, cày xới phá rừng, lấn chiếm đất để trồng cây ngắn ngày. Đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính hơn 130 vụ suốt từ năm 2020 đến nay, kết hợp thu hồi phần diện tích đất lấn chiếm nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để.

UBND xã đang kiêm nhiệm quản lý, bảo vệ phần diện tích đất rừng và lâm nghiệp lên đến 27.000ha với hàng chục tiểu khu, có nơi nằm giáp biên giới với nước bạn nên áp lực là rất lớn. UBND xã ngoài việc cắt cử cán bộ đóng chốt tại chỗ vẫn thường xuyên cử thêm lực lượng tuần tra như công an, dân quân tự vệ nhằm xử lý các vụ phá, lấn chiếm đất rừng, nhất là vào thời điểm mùa khô. Riêng đối với các vụ phá rừng xảy ra tại 2 tiểu khu nói trên UBND xã đã kiểm tra, đo đạc diện tích bị phá, thống kê thiệt hại để báo cáo Hạt kiểm lâm, UBND huyện có phương án chỉ đạo xử lý.

Hiện, UBND, Huyện ủy Ea Súp đã nắm được tình hình vụ phá rừng tại khu vực nói trên và đang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có phương án giải quyết phù hợp theo quy định của pháp luật.

Toàn huyện Ea Súp có 26 doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp với diện tích hơn 17.299 ha.

Tổng diện tích 26 dự án nông lâm nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất, gắn với thuê rừng là 17.299,77 ha. Hiện nay, các dự án đã có quyết định thuê đất, còn 12 dự án chưa thực hiện việc thuê rừng theo quy định.

Sau khi được phép thực hiện, các chủ dự án đã triển khai đầu tư, thuê lao động tại địa phương để thực hiện dự án. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng tại các công ty vẫn còn nhiều tồn tại. Tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Đơn cử, tháng 4.2022, địa bàn xã Ya Tờ Mốt xảy ra vụ phá hơn 400ha (tại tiểu khu 205) rừng chỉ trong khoảng 15 ngày. Sau một thời gian điều tra, phá án, lực lượng Công an đã bắt, khởi tố hàng loạt đối tượng liên quan. Các lãnh đạo UBND xã cũng bị kỷ luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn