MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ven biển kết nối TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Hùng

Rừng ngập mặn bên đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả có dấu hiệu sống trở lại

Nguyễn Hùng LDO | 27/12/2022 09:41

Quảng Ninh - Hai khu rừng ngập mặn nằm 2 bên đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả từng bỗng nhiên bị héo lá, khô ngọn hiện đã có dấu hiệu xanh trở lại, dù các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố nguyên nhân vì sao rừng rơi vào tình trạng đó.

Như Lao Động đã phản ánh, 2 khu rừng ngập mặn tự nhiên nằm hai bên tuyến đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả, với tổng diện tích khoảng 4,8 ha có tình trạng bị lá héo, lá khô, rụng lá, bị chết, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển. Tình trạng này xuất hiện từ cuối năm 2021.

Một khu rừng ngập mặn bên đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả tại thời điểm đầu năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hùng

Kể từ khi dư luận lên tiếng thì 2 khu rừng trên có nhiều dấu hiệu sống trở lại.

Rừng ngập mặn đã xanh trở lại ở nhiều vị trí. Ảnh chụp chiều 26.12.2022. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đến thời điểm hiện tại, 2 khu rừng trên đã có nhiều vị trí xanh trở lại, thay vì khô héo toàn bộ như cách đó vài tháng. Tuy nhiên, ở những vị trí gần đường, các dấu hiệu sinh tồn chưa rõ rệt vì chỉ lác đác vài cây nhú mầm lá.

Trong khi đó, khu rừng ngập mặn kế bên và cùng chung nguồn nước thì vẫn xanh ngắt, khỏe mạnh.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Quảng Ninh, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến rừng bị héo lá, khô ngọn…

Tuy nhiên, ở những vị trí gần đường giao thông, chỉ có vài cây nhú mầm lá. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trước đó, cuối năm 2021, người dân phát hiện 2 khu rừng ngập mặn tự nhiên ở hai bên đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả héo dần.

Theo cơ quan kiểm lâm của TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, kết quả kiểm tra tại hiện trường xác định có khoảng 4,8 ha cây rừng ngập mặn bị lá héo, lá khô, rụng lá, bị chết, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển. Trong đó, có khoảng 2,1 ha thuộc phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả và 2,7 ha thuộc phường Hà Phong, TP Hạ Long.

Điều lạ là những vạt rừng ngập mặn nằm ngay sát đó vẫn xanh tươi. Ban đầu, mỗi cơ quan lại có những kết luận khác nhau về tình trạng này, trong đó có hưởng trực tiếp tới quá trình hô hấp của rễ cây rừng ngập mặn.

Điều lạ là khu rừng bên cạnh vẫn xanh ngắt. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tiếp đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc và mời các cơ quan chuyên môn, trong đó có Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, để lấy mẫu đất, mẫu nước tại hiện trường có cây rừng ngập mặn bị lá héo, lá khô, rụng lá để giám định nguyên nhân.

Tuy nhiên, đến nay các cơ quan mới chỉ công bố nguyên nhân ban đầu ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của rừng ngập mặn, trong đó, mẫu thu thập tại hiện trường có triệu chứng bệnh đốm lá do nấm Phyllosticta sp gây hại.

Xuất hiện lối đi rộng giữa rừng ngập mặn. Ảnh chụp thời điểm đầu năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hùng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để xác định nguyên nhân và giải pháp phục hồi diện tích rừng ngập mặn trên.

Đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả, dài hơn 18km, được đưa vào sử dụng từ 1.1.2022. Để bảo vệ môi trường, cảnh quan dọc tuyến đường này, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu bào vệ, giữ nguyên hiện trạng các núi đá vôi và rừng ngập mặn hai bên đường.

Để bảo vệ rừng ngập mặn còn lại trên toàn tỉnh, Quảng Ninh đã từng phải điều chỉnh thiết kế, phương pháp thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn. Trong đó, để bảo vệ rừng ngập mặn nguyên sinh đầu nguồn vịnh Cửa Lục 3, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh quyết định điều chỉnh hướng và cách thi công phần dẫn từ cầu chính vào đường 279.

Trên tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, để giữ và bảo vệ hàng nghìn ha rừng ngập mặn tự nhiên, Quảng Ninh đã quyết định làm thêm cầu và mở thêm các nhịp cho các cây cầu đã có trong quy hoạch, với tổng cộng thêm 700 mét cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn