MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Tùng - nơi hiện có gần 70 cây Xích Tùng cổ nằm ở 2 bên trên con đường hành hương lên non thiêng Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Rừng Xích Tùng hơn 700 tuổi trên Yên Tử do người trồng hay mọc tự nhiên?

Nguyễn Hùng LDO | 03/09/2023 13:15

Quảng Ninh - Trong khi Xích Tùng là loài cây mọc tự nhiên trên vùng núi thấp và núi cao trung bình ở nhiều nơi trên cả nước, thì rừng Xích Tùng hơn 700 tuổi trên non thiêng Yên Tử được cho rằng là do người xưa trồng.

Rừng của các bậc tiền nhân

Khi rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử rơi vào tình trạng báo động do lần lượt từng “cụ” Xích Tùng “ra đi” vì bị sâu bệnh, thời tiết tấn công; số còn lại thì cơ bản bị mục ruỗng thân, cành…, năm 2016, Quảng Ninh mới lấy ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu để chăm sóc, bảo tồn loài Xích Tùng cổ trên Yên Tử.

Đây là một trong những loài cây từng gắn liền với Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Phái Trúc Lâm còn sót lại ở Rừng quốc gia Yên Tử. Thời điểm đó chỉ còn lại 237 cây có tuổi đời hơn 700 năm, tập trung ở khu vực Đường Tùng, Am Dược, Chùa Hoa Yên, khu vực đường sang Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực Chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ…

Rễ cây Xích Tùng cổ trồi lên mặt đường đi. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo nghiên cứu của ông Lê Huy Cường - ủy viên Hội đồng Cây Di sản Việt Nam - Xích Tùng Yên Tử phân bố khá rộng từ độ cao 400 - 700m, so với mặt nước biển. Cây ở độ cao thấp nhất là 327m tại Am Lò Rèn và cao nhất 748m ở trước cửa chùa Bảo Sái.

Ở nhiều nơi khác trên cả nước, cây Xích Tùng mọc tự nhiên, nhưng Xích Tùng Yên Tử lại là cây trồng trong rừng tự nhiên từ cách đây 600 – 700 năm. Nguồn giống cây và phương thức trồng Xích Tùng tại Yên Tử chưa có một tài liệu khoa học nào nghiên cứu cụ thể và đánh giá một cách chính xác. Đây cũng là điều bí ẩn mà cha ông ta ngày xưa đã làm được. Xích Tùng Yên Tử đã được trồng qua nhiều năm, bắt đầu từ Vua Trần Nhân Tông và tiếp theo các triều đại vua sau này.

Cắt tỉa các cành bị sâu mọt tấn công để bảo vệ cây Xích Tùng cổ trên Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Cường, do đặc điểm là cây trồng nên Xích Tùng Yên Tử tập trung ở hai dạng: Dọc tuyến đường đi bộ đến các chùa, di tích và tại các am. Việc này phần nào cho chúng ta thấy cách trồng cây Xích Tùng của người xưa đều có mục đích rõ ràng.

Báo cáo nghiên cứu của ông Lê Mạnh Tuấn - Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp, thuộc Viện Điều tra, quy hoạch rừng cũng đưa ra nhận định cùng quan điểm trên. Theo đó, theo kết quả nghiên cứu 233 cá thể Xích Tùng cổ tạo Yên Tử thì tại những vị trí có sự xuất hiện loài này đều gắn liền các Am tháp, chùa chiền,… kết hợp độ cao phân bố, rất có thể đây là những cá thể được gây trồng. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu chưa ghi nhận được cá thể nào tái sinh dưới tán rừng, nơi có cá thể mẹ sinh sống.

Theo giới chuyên môn, rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử là do các bậc tiền nhân trồng, bởi có hàng, lối và ở những vị trí đặc biệt. Thể hiện rõ nhất là ở khu vực Đường Tùng - nơi hiện còn khoảng 70 cây được trồng hai bên con đường hành hương.

Vì sao khó mọc tự nhiên?

Cho đến nay, anh Phạm Văn Sự - nguyên nhân viên của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử - vẫn là người duy nhất nhân giống thành công cây Xích Tùng Yên Tử. Hiện, trong vườn nhà anh ở TP.Uông Bí có khoảng 1.000 cây Xích Tùng, trong đó có những cây cao vài mét và một số đã được đem trồng ở Yên Tử.

Những thất bại liên tiếp trong việc nhân giống loài cây này trong nhiều năm không làm anh nản chí, bởi nhìn những “cụ” Xích Tùng cổ lần lượt “ra đi” hoặc lâm trọng bệnh mà không có cây thay thế càng cho anh thêm động lực.

Vườn cây giống Xích Tùng của anh Phạm Văn Sự tại TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Một ngày anh Sự cũng thành công, không chỉ là nhân giống từ hạt, mà còn từ cành cây.

Quá trình đó bổ sung thêm cho những nhận định của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học rằng, rừng Xích Tùng hơn 700 tuổi trên Yên Tử là do các bậc tiền nhân trồng. Anh Sự kể, quá trình tìm tòi, nghiên cứu, anh phát hiện dưới những tán cây Xích Tùng cổ trên Yên Tử có rất nhiều hạt cây Xích Tùng rơi xuống đất, nhưng cùng lắm chỉ nhú thành cây nhỏ tí rồi chết, bởi không bị kiến, mối ăn thì cũng bị nước rửa trôi mất.

Đây có thể cũng là một trong những lý do vì cho đến nay, không xuất hiện bất cứ cây Xích Tùng nào mọc tự nhiên.

Vì thế, anh thu lượm những hạt Xích Tùng nhỏ li ti dưới tán lá rừng đem về nhà nhân giống. Để nhân giống và trồng thành công giống cây Xích Tùng, anh Sự cho biết đã nghiên cứu cách trồng của các bậc tiền nhân.

Theo đó, ngoài việc phải quan tâm đặc biệt do các hạt Xích Tùng thường nảy mầm vào mùa mưa là mùa của sâu bệnh thì chú ý đến yếu tố ánh nắng. Cây Xích Tùng không có nắng sẽ chết. Tất cả những cây Xích Tùng cổ hiện nay trên Yên Tử đều nằm ở rìa vực hoặc là ở những đất một bên cao, bên thấp để lấy ánh sáng tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn