MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp phỏng vấn online với người lao động. Ảnh ANH THƯ

Rút ngắn thời gian tìm việc làm của người lao động thất nghiệp

ANH THƯ LDO | 19/10/2021 16:13
Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động.

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" ngày 19.10, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch COVID-19.

Thị trường lao động tại Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Không nằm ngoài tác động trên, thị trường lao động tại Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo quan sát của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, riêng tại Hà Nội, thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Ông Thành cho biết, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 - 30% công suất, do phải đảm bảo công tác giãn cách xã hội và không nằm trong các lĩnh vực thiết yếu. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế.

Người lao động có việc làm ở Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc… Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tính đến tháng 9, nhiều dịch vụ không thiết yếu đã bắt đầu trở lại, thị trường khôi phục dần nhưng vẫn đang đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: Hải Nguyễn 

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tính đến tháng 9, nhiều dịch vụ không thiết yếu đã bắt đầu trở lại, thị trường khôi phục dần nhưng vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, đó là việc thiếu hụt lao động bởi một lượng lớn người lao động đã về quê, cũng như nhiều học sinh sinh viên đã rời thành phố... 

Ông Thành cho rằng, để tiếp tục phục hồi kinh tế, đi đôi với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn mới, trước hết, cần triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội. Khi chúng ta đã tạo được môi trường chống dịch tốt thì sẽ mang lại được tín hiệu tích cực cho thị trường. 

Sau đó là áp dụng các nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch như tiêm vaccine miễn dịch cộng đồng.

Ông Thành cho biết, cần có chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là lao động không có việc làm; bổ sung nguồn vốn vay đối với tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn do dịch bệnh; nhanh chóng thiết lập thông tin thị trường lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch về lao động.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động như thu thập dữ liệu, kết nối người lao động và cơ sở sử dụng lao động.

Cần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ dữ liệu có thể đánh giá được cơ cấu ngành nghề và có hướng dịch chuyển trong công tác đào tạo nghề cho phù hợp hơn với thời đại mới, hỗ trợ tốt hơn cho người sử dụng và người lao động.

"Ngoài ra, cần tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm như rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động" - ông Thành nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 28, từ ngày 1.10, khoảng 13 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn