MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

Sách giáo khoa sẽ không còn là pháp lệnh

HUYÊN NGUYỄN LDO | 20/01/2018 14:00
Ngày 19.1, Bộ GDĐT tổ chức họp báo thông tin về dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Điểm mới của chương trình môn học là tính mở và tăng sự chủ động cho giáo viên. Đặc biệt, sách giáo khoa (SGK) sẽ không còn là pháp lệnh.
Sách giáo khoa sẽ không còn là pháp lệnh

Quan trọng là học sinh làm được gì

Theo Thứ trưởng GDĐT Nguyễn Hữu Độ, chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới được chuẩn bị từ lâu. Ban soạn thảo đã tiếp thu chọn lọc để sản phẩm được công bố, xin ý kiến của nhân dân.

Mục tiêu của chương trình là đổi mới căn bản toàn diện, kết hợp việc dạy làm người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển biến từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Chương trình GDPT phổ thông mới đáp ứng được yêu cầu và xây dựng theo hướng phát triển Kinh tế Xã hội từng địa phương.

Về chương trình SGK (SGK) theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình: “Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân được quyền tham gia viết sách. Mỗi một tổ chức, cá nhân sẽ có những có ý tưởng riêng sao cho có hiệu quả nhất. Điều quan trọng là theo quy định hiện hành SGK không phải là pháp lệnh như vẫn được nói từ trước. SGK chỉ là tài liệu chính thức được giảng dạy trong nhà trường mà thôi. Giáo viên sẽ được sáng tạo trong dạy học”.

Chương trình đảm bảo sẽ được giảm tải so với hiện nay. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình hiện nay được xác định là năng nề bởi 3 nguyên nhân là do chương trình, SGK và cách dạy áp đặt 1 chiều. Chính vì thế, Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm tải như giảm bớt nhiều kiến thức khó, bài học có tính lắt léo, đánh đố học sinh chỉ cốt để dành cho các cuộc thi; giảm bớt kiến thức chưa thiết thực... Bên cạnh đó, một số môn có thể tổ chức lại nội dung. Ví dụ môn lịch sử, so với trước đây lớp nào, cấp nào cũng dạy dài nhưng giờ cấp tiểu học chủ yếu dạy thông qua câu chuyện lịch sử, ở cấp THCS dạy thông sử, ở cấp THPT không lặp lại mà có các chủ đề xuyên suốt. Ngoài ra, một số môn sẽ dạy tích hợp thay vì dạy từng môn. Điều này giúp học sinh bao quát hết các lĩnh vực. Quan trọng nữa chính là thay đổi phương pháp giảng dạy, không còn nặng nề từng chữ theo SGK.

Cũng từ đây, yêu cầu về thay đổi thi cử được đặt ra. GS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên môn ngữ văn cho biết: “Liên quan tới đánh giá thi cử, đúng là đánh giá phải thay đổi. Môn ngữ văn mới mở độ rộng cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo. Để ứng với chuyện chương trình mở như thế, yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn chương trình và yêu cầu cần đạt được của chương trình chứ không căn cứ vào bất cứ SGK nào. Người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong SGK. Chúng ta cần dạy cho học sinh cách đọc văn bản. Như vậy, hoàn toàn có thể đo được năng lực vận dụng thực hành từ các lí thuyết đã được học để giải quyết một tình huống mới”. Tương tự, ông Mai Sĩ Tuấn - Chủ biên môn khọc học tự nhiên nhấn mạnh xu hướng trên thế giới chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực. Chúng ta nhấn mạnh phát triển năng lực thì phải trả lời câu hỏi học sinh học xong thì làm được gì chứ không phải là học được gì.

Theo đại diện Bộ GDĐT, từ nay đến 2020 sẽ giữ nguyên kỳ thi như hiện nay. Đến năm 2020 trở đi, tức là sau khi bắt đầu triển khai chương trình mới sẽ có sự thay đổi. Bộ GDĐT đã tuyển chọn tập thể nghiên cứu, đo lường và kiểm định chất lượng để nghiên cứu vấn đề trên.

Sẽ đảm bảo điều kiện thực hiện

Trước những lo ngại về điều kiện thực hiện, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết về chuẩn bị giáo viên, Bộ GDĐT quan tâm tới việc kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên về số lượng giáo viên cấp học và môn học có đáp ứng được không, giáo viên cần những gì, để bồi dưỡng. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng tính toán lại về quy hoạch đào tạo sư phạm.

Bộ đã thực hiện bồi dưỡng dần cho giáo viên về phương pháp mới. Có những môn học mới là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lí, yêu cầu đào tạo giáo viên cũng sẽ thực hiện học bồi dưỡng để có thể một giáo viêm đảm nhiệm 1 môn. Chương trình này Bộ đang xây dựng từ nay đến lúc triển khai còn 3-4 năm nữa. Như vậy, có thể đủ sức để chuẩn bị, GS Thuyết cho hay.

Về cơ sở vật chất, Bộ GDĐT đã tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ tình trạng về cơ sở vật chất ở các địa phương, lên kế hoạch để thực hiện tốt chương trình này. GS Thuyết cho biết, theo Nghị quyết 88, chương trình mới phù hợp với điều kiện tế của Việt Nam và tại các vùng miền nên thực hiện các môn học không đòi hỏi quá nhiều về cơ sở vật chất, chỉ cần các trường tiểu học ít nhất đảm bảo cho học sinh học 6 buổi/tuần sẽ thực hiện hết chương trình, trừ các môn tự chọn. Các địa phương đảm bảo thực hiện đúng điều lệ các trường ,quy định, tiểu học sĩ số 35 học sinh/lớp, THCS là 40 học sinh/lớp. Lớp học bố trí theo kiểu khác để các em thuận tiện cho việc làm việc nhóm.

Trước câu hỏi vì sao giảm tải mà thời lượng lại tăng 2 buổi/ngày, GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích tăng thời lượng học không phải là tăng tải mà chính là giảm tải, cùng một khối lượng công việc nếu có thời gian thoải mái hơn sẽ giảm áp lực hơn.

Sau khi công bố chương trình, Bộ GDĐT sẽ thực hiện tiếp thu ý kiến nhân dân. Hết 2 tháng xin ý kiến, ban soạn thảo sẽ tổng kết lại xem điều chỉnh tiếp thu. Dự kiến, tháng 4.2018, có thể ban hành chương trình tổng thể. Sau khi ban hành chương trình tổng thể chính thức sẽ sẽ tiến hành viết SGK.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn