MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sai lầm thường gặp khi chuẩn bị lễ hóa vàng năm mới

L.L LDO | 26/01/2020 17:34

Lễ hóa vàng còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho tổ tiên, hay lễ tạ năm mới, cần thực hiện đúng cách: Thanh tịnh, trang trọng, tiết kiệm.

Theo truyền thống xưa, sau khi mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu vào ngày 30 Tết (nếu tháng thiếu thì vào ngày 29 Tết), đến ngày mùng 3 Tết hoặc ngày khai hạ mồng bảy Tết, là ngày cuối cùng, tiệc xuân đã mãn, con cháu lại cáo lễ để tiễn đưa tổ tiên, ông bà trở về âm cảnh.

Ngày lễ tiễn ông bà, tổ tiên này rất quan trọng với người Việt. Người xưa quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ, vì thế đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến này hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn, dễ thiu như thịt xôi…). Nếu đèn hương tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm phải điều bất kính.

Sau khi lễ, việc hóa vàng cũng phải làm riêng. Phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước của tổ tiên để tránh nhầm lẫn. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài ba cây mía dài để làm “đòn gánh” cho các linh hồn mang hàng hóa theo.

Trong lễ hóa vàng, con cháu đều chuẩn bị “quà” để tiễn ông bà ông vải trở về âm thế với quan niệm “trần sao âm vậy”. Hoá vàng chính là việc con cháu gửi đồ dùng, tiền vàng đã chuẩn bị trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết cho người cõi âm, để ông bà có tiền tiêu rủng rỉnh, đồ dùng đầy đủ quanh năm.

Theo GS sử học Lê Văn Lan, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.

Còn theo TS Đinh Đức Tiến - khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tiền giấy ban đầu không dùng để đốt, mà chủ yếu chôn cùng, treo xung quanh, hoặc rải quanh mộ. Nhưng về sau, việc đốt tiền vàng mã được sử dụng phổ biến, từ nghi lễ của vua quan, đến người dân thường và trở thành một tín ngưỡng trong dân gian.

Nhiều người cho rằng, càng đốt nhiều vàng mã thì càng thể hiện lòng thành, càng thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Cách hiểu như vậy là hoàn toàn sai. Thực chất, chỉ cần đốt một ít vàng mã và hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết là đã đủ và đúng với truyền thống văn hóa Việt. Việc đốt vàng mã với số lượng lớn, đốt bừa bãi là hủy hoại môi trường.

Chính vì vậy, tục cúng hóa vàng là nét đẹp dân gian lâu đời, cũng là nét đẹp tâm linh, nên gìn giữ. Tuy nhiên, không nên biến tướng tập tục này thành hủ tục, tổ chức cúng bái linh đình, đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Lễ vật dâng cúng trong lễ tạ năm mới chỉ nên gọn nhẹ, thanh khiết, gồm: Hương (nhang), hoa, ngũ quả; Trầu cau, rượu, đèn/nến, bánh kẹo; Mâm lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn ngày Tết đầy đủ, hợp vệ sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn