MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tuyến đường nông thôn đi vào ấp Phú Hòa, xã Long Đức, TP.Trà Vinh)

Sai phạm ở TP.Trà Vinh: Rầm rộ "bán tên"

TRẦN LƯU LDO | 20/10/2018 19:15
Từ hàng loạt sai phạm khiến Chủ tịch TP Trà Vinh bị cách chức và nhiều cán bộ bị kỷ luật, PV Lao Động đã tìm về tận nơi mà đến cái tên cũng có thể trở thành món mồi béo bở.

Tôi đã từng nghe chuyện bán nhà, bán đất, bán xe, bán cộ…, nhưng chưa bao giờ nghe hai từ “bán tên”. Thấy tôi ngơ ngác, ông T. giải thích: “Bán tên là theo cách gọi của người dân ở đây, còn theo kết luận của Trung ương hôm trước là bán chính sách”… Và đó là thực trạng đang diễn ra tại xã Long Đức (TP.Trà Vinh). 

“Bán tên” như bán rau

Chuyện bắt đầu từ việc tỉnh này cho triển khai thực hiện công tác hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Cụ thể là miễn, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ) đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ VNAH… khi chuyển mục đích SDĐ từ cây lâu năm sang đất ở đô thị.

Lợi dụng việc này, các “tay cò” đã đi “gom đất” ở TP.Trà Vinh, sau đó tìm đến các gia đình chính sách. “Cò” đặt vấn đề với người dân là “mượn” hồ sơ, bao gồm: Sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận liệt sĩ, thẻ thương binh… Nói chung là những giấy tờ chứng minh đây là gia đình có công với cách mạng.

Mỗi hồ sơ như vậy, “cò” sẽ trả cho người dân 10-15 triệu đồng. Bằng cách nào đó, chúng làm thủ tục cho những người thuộc diện chính sách đứng tên trong hợp đồng mua đất, rồi xin chuyển mục đích SDĐ thành đất ở và được miễn tiền SDĐ.

Tiếp đến, “cò” làm thủ tục sang tên cho các đối tượng thuê mướn bằng hình thức hợp đồng tặng, cho đất. Khi mọi việc xong xuôi, “cò” trả lại hồ sơ cho người dân.

Do những gia đình chính sách hầu hết đều là những hộ khó khăn, nên họ dễ dàng đồng ý. Ông T. (ấp Phú Hòa, xã Long Đức) nói rằng: “Cha tôi là liệt sĩ mất năm 1968. Dạo trước, có người đến kêu tôi “bán tên”, nhưng tôi không bán. Tuy nhiên, người dân ở đây bán rất nhiều, trong đó, có hộ là bà con với tôi”.   

Một người dân khác (không nói tên) cho biết: Cứ đến xã Long Đức này, hỏi vụ “bán tên” ai mà không biết. Chuyện này đã diễn ra mấy năm liền, và rầm rộ, công khai như bán rau ngoài chợ.

Từ hôm báo chí đưa tin, lãnh đạo thành phố bị kỷ luật vì vụ này, người dân mới bắt đầu sợ, và cũng không thấy ai đến hỏi mua nữa.

Tên Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng bị “bán trộm”

Theo hồ sơ chúng tôi có được, có 24 hộ gia đình chính sách có hồ sơ miễn giảm tiền SDĐ với tổng số tiền trên 6,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi ngành chức năng đến làm việc, họ không hề biết gì.

Điển hình là trường hợp của Bà Đ.T.L (gần 80 tuổi, ấp Phù Hòa, là vợ liệt sĩ N.V.B). Theo hồ sơ thể hiện, bà thuộc diện được miễn 100% tiền chuyển mục đích SDĐ, quy ra gần trên 776 triệu đồng. Làm việc với cơ quan chức năng, bà nói không biết gì.

Một trường hợp khác là Mẹ Việt Nam Anh hùng P.T.H (ấp Kinh Lớn, xã Long Đức) được miễn gần 700 triệu đồng khi chuyển mục đích SDĐ. Tuy nhiên, khi đến vụ việc, mẹ H ngơ ngác nói trước giờ, không biết và cũng không có liên quan gì đến mua bán đất đai hay đứng tên giùm người khác.

Một nguồn tin giải thích với chúng tôi: Những người đứng tên trong gia đình chính sách không bán, nhưng người thân, con cháu của họ lén lút lấy hồ sơ đi bán, nên họ không hay biết. Cũng có trường hợp họ là người trực tiếp đem bán chính sách.

Trụ sở UBND TP.Trà Vinh. Ảnh: P.V.

Chính quyền không hay biết? 

Không chỉ ở TP.Trà Vinh, các tay “cò” còn túa chân rết ra khắp tỉnh, tìm đến những gia đình chính sách mọi nơi. Có trường hợp gia đình chính sách như bà T.T.T (vợ liệt sĩ, ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè), hay bà L.T.M (vợ liệt sĩ, ở xã Đại Phúc, huyện Càng Long) vẫn có tên trong danh sách miễn giảm đất đai ở TP.Trà Vinh.

“Chúng móc nối gia đình liệt sĩ ở khắp nơi, nhưng đất thì chỉ tập trung ở TP.Trà Vinh, vì đây là khu vực có giá đất cao, còn những huyện khác giá đất thấp, tiền miễn giảm SDĐ không lớn. Đặc biệt, theo quy định, hễ gia đình chính sách có đầy đủ hồ sơ thì được miễn giảm, không quan trọng địa chỉ ở đâu”, một nguồn tin khác nói.

Theo điều tra của PV, có 284/334 đối tượng đã có nhà tình nghĩa hoặc đã được hỗ trợ tiền sửa chữa nhà; nhưng vẫn được TP.Trà Vinh cho miễn giảm tiền SDĐ – tức được hưởng chính sách 2 lần, gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với PV Lao Động, một vị lãnh đạo TP Trà Vinh bức xúc nói: “Mỗi hồ sơ đất đai đều phải đến xã, phường xác nhận. Đây là cơ quan chính quyền sở tại, tất nhiên, họ phải biết rõ hộ nào là gia đình chính sách, hộ nào là không phải.

Nhưng vụ việc đã kéo dài nhiều năm mà họ không hay biết. Hiện thành phố đang quyết liệt cho xử lý tình trạng này, không để tiếp diễn…

Từ tháng 1.2011 đến nay, TP.Trà Vinh có 656 người thuộc diện chính sách xin miễn, giảm tiền SDĐ, tổng cộng hơn 113 tỷ đồng. Qua kiểm tra gần 350 trường hợp, xác định số tiền miễn, giảm không đúng gần 70 tỉ đồng.

Trước những sai phạm nghiêm trọng trên, UBND tỉnh Trà Vinh đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Diệp Văn Thạnh – Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh; cảnh cáo đối với hai ông Trần Trường Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh và ông Phạm Văn Tám - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn