MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi được đầu tư mở rộng, hàng loạt chuyến bay đến Sân bay Điện Biên vẫn không thể cất/hạ cánh khi gặp thời tiết xấu. Ảnh: Văn Thành Chương

Sân bay Điện Biên nâng tầm nhìn tiêu chuẩn khi tiếp nhận máy bay cỡ lớn

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 10/04/2024 18:42

Trước khi Sân bay Điện Biên được đầu tư nâng cấp, rất nhiều chuyến bay đã phải hủy do hạn chế tầm nhìn. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư mở rộng, nhiều chuyến bay vẫn không thể cất/hạ cánh vì không đạt tầm nhìn tiêu chuẩn.

Được nâng cấp để đáp ứng máy bay cỡ lớn

Trước khi triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, đường cất hạ cánh tại đây chỉ có kích thước 1.830m x 30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Bên cạnh đó, hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay chỉ có 3 vị trí đỗ.

Do hạn chế về tĩnh không 2 đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Sau khi hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, đường cất hạ cánh 35-17 có kích thước 2.400m x 45m, sân quay 2 đầu đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Với hệ thống đèn tiếp cận CAT I, Sân bay Điện Biên đáp ứng được việc khai thác cả các chuyến bay vào ban đêm.

Trước khi được mở rộng, nâng cấp, Sân bay Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương. Ảnh: Văn Thành Chương

Thế nhưng, từ ngày 6-8.4 vừa qua đã có 19 chuyến bay đi/đến Sân bay Điện Biên phải hủy với lý do thời tiết xấu. Trong đó, ngày 6.4 hủy 5 chuyến, ngày 7.4 hủy 6 chuyến và ngày 8.4 phải hủy 8 chuyến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của du khách khi đến Điện Biên, đặc biệt đang là mùa cao điểm du lịch nên việc thay đổi lịch trình gây ra rất nhiều hệ lụy.

Trước tình trạng nói trên, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Sân bay Điện Biên đã được nâng cấp, mở rộng và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nhưng vẫn liên tục xảy ra việc hủy chuyến ngay khi gặp thời tiết xấu giống như sân bay cũ khi chưa nâng cấp?

Hệ thống đèn tiếp cận hiện đại tại Sân bay Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Phương thức bay thay đổi nên điều kiện an toàn cũng thay đổi

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lò Thị Yên - Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên cho biết, tiêu chuẩn an toàn hàng không trước khi Sân bay Điện Biên được mở rộng, nâng cấp là tầm nhìn xa yêu cầu phải đạt 4.200m. Tuy nhiên, sau khi đường cất hạ cánh được mở rộng, xoay trục để đáp ứng khai thác các máy bay cỡ lớn thì tầm nhìn xa tiêu chuẩn yêu cầu phải đạt tới 4.600m.

Trong khi đó, tại TP Điện Biên Phủ trong mấy ngày vừa qua có thời điểm tầm nhìn chỉ đạt trên 2.000m nên không đảm bảo an toàn cho tàu bay cất/hạ cánh.

Ông Lương Anh Xuân - Đài trưởng Đài kiểm soát không lưu Điện Biên cũng cho biết, cái khó nhất của Sân bay Điện Biên là ở giữa lòng chảo, xung quanh là đồi núi cao nên hạn chế về tĩnh không ở 2 đầu đường cất hạ cánh. Cùng với đó, việc mở rộng và xoay trục đường cất hạ cánh cùng với việc thay đổi phương thức bay để đáp ứng các tàu bay cỡ lớn khiến điều kiện về an toàn bay cũng thay đổi.

Do địa hình vướng núi nên Sân bay Điện Biên bị hạn chế về tĩnh không.

"Trước đây khi khai thác máy bay cỡ nhỏ thì tầm nhìn xa yêu cầu đạt 4.200m. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác các máy bay cỡ lớn thì tầm nhìn xa tiêu chuẩn yêu cầu phải đạt tới 4.600m, các tiêu chuẩn an toàn này do Cục Hàng không Việt Nam quy định" - vị này cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện hãng hàng không Vietjet tại Điện Biên cũng cho biết, với cùng 1 dòng máy bay, khi hạ cánh xuống Sân bay Điện Biên bao giờ trọng lượng hành khách và hàng hóa cũng phải nhẹ hơn so với khi hạ cánh xuống các sân bay khác.

"Do 2 đầu đường cất hạ cánh vướng núi nên trọng lượng hành khách và hàng hóa trên máy bay phải nhẹ hơn để đảm bảo trong trường hợp khi hạ cánh không thành công thì máy bay vẫn có thể bay vọt lên trong thời gian nhanh nhất và khoảng cách ngắn nhất" - đại diện hãng Vietjet tại Điện Biên cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn