MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoạn kênh Hàng Bàng (quận 6) đang được đào lên sau thời gian dài bị san lấp, lấn chiếm. Ảnh: M.Q

San lấp nhiều kênh rạch thoát nước, TPHCM ngày càng ngập nặng

MINH QUÂN LDO | 09/06/2022 06:00

TPHCM - Nhiều kênh, rạch thoát nước bị san lấp, được bê tông hóa bằng cống hộp, thu hẹp dòng chảy là một trong những nguyên nhân làm TPHCM ngày càng ngập nặng.

Tồn nghìn tỉ lấp kênh rồi đào lại

Dưới con đường nhựa Trần Văn Khê rộng 16m, dài 500m chạy từ đường Nguyễn Cửu Vân đến Hoàng Sa (phường 17, quận Bình Thạnh) trước đây từng là rạch Phan Văn Hân.

Năm 2012, quận Bình Thạnh chi gần 130 tỉ đồng để lấp kênh, đặt cống hộp làm đường giao thông. Tuyến cống thay thế có tiết diện 1,6m x 2m, chỉ rộng bằng 1/10 so với con rạch cũ.

Dưới con đường Trần Văn Khê này từng là con rạch Phan Văn Hân. Ảnh: M.Q

Cách rạch Phan Văn Hân không xa, rạch Tân Cảng (phường 22, quận Bình Thạnh) dài 200m, rộng 20m cũng đã bị biến thành cống hộp với tiết diện 2m x 2m.

Tương tự, năm 2000, một đoạn kênh Hàng Bàng dài khoảng 600 m từ đường Phạm Đình Hổ đến đường Bình Tiên (quận 6) được lắp cống thay kênh hở. Hai đầu kênh vẫn được giữ lại nhưng bị người dân xây nhà cửa lấn chiếm nên chỉ còn rộng khoảng 2m.

Song song đó, tình trạng ngập nước tại các khu lân cận như bến xe Chợ Lớn, đường Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Quang Sung, Minh Phụng... bắt đầu tăng lên.

Đến năm 2015, TPHCM quyết định khôi phục kênh Hàng Bàng nhằm thoát nước cho khu vực với kinh phí khoảng 3.700 tỉ đồng. Đoạn kênh đã bị lấp đặt cống hộp trước đây và các đoạn còn lại sẽ được đào rộng 11m như dòng kênh cũ, hai bên trồng cây xanh.

Đoạn kênh Hàng Bàng sau khi được khôi phục.  Ảnh: M.Q

Đến nay, hai đầu con kênh dài gần 400m được khôi phục làm thay đổi cảnh quan, nâng cao đời sống người dân dọc hai bờ. Đoạn còn lại khoảng 700m từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng đang được triển khai. Riêng đoạn kênh lấp làm cống hộp chưa triển khai do vướng đền bù giải tỏa.

Nhiều con kênh rạch ở TPHCM cũng đã bị lấp và đặt cống hộp trong quá trình xây dựng đô thị như: Đoạn đầu nguồn kênh Nhiêu Lộc (từ khu vực đường Cộng Hòa đến đường Út Tịch hiện tại), 3km kênh Tân Hóa (từ đường Âu Cơ đến cầu Hòa Bình)... Chưa kể, nhiều kênh, rạch khác trong các dự án nhà ở đã “âm thầm” bị lấp, đặt cống.

Theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, tại TPHCM đến nay đã có hơn 30% kênh, rạch bị lấp. Còn thông tin từ một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thì từ năm 1996 - 2008, toàn TPHCM có trên 100 kênh rạch lớn, nhỏ bị san lấp và lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 4.000 ha.

Kênh rạch là một dạng hồ điều tiết 

Trong khi cả trăm kênh rạch bị san lấp, thì TPHCM dự kiến xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích gần 900 ha để chống ngập. Tuy nhiên đến nay, TPHCM chỉ mới xây dựng được 1 hồ điều tiết với quy mô chỉ 100 m3 ở TP.Thủ Đức, các hồ còn lại vẫn nằm "trên giấy".

Theo GS.TS Lê Huy Bá - nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM), về lý thuyết, việc xây hồ điều tiết sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập úng.

Nhưng với thực trạng san lấp hàng trăm nghìn ha đất sình lầy, kênh rạch để xây khu đô thị, cao ốc... dù TPHCM xây 103 hồ điều tiết cũng chẳng thấm vào đâu, giống như “muối bỏ bể”.

Nhà cửa xây dựng trên một con rạch thoát nước khu vực đường Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức). Ảnh:  M.Q

Ông Lê Huy Bá cho rằng, sau kênh Hàng Bàng, chính quyền TPHCM cần khơi thông lại nhiều con kênh khác của TPHCM đã bị các công trình xây dựng đè lên hoặc san lấp. Theo ông, tiết diện cống hộp không bao giờ bằng tiết diện kênh hở nên lượng nước thoát qua cống hộp bao giờ cũng hạn chế hơn. Ngoài ra, cống hộp chỉ có chức năng thoát nước, không thể trữ được nước, cũng không có chức năng thẩm thấu để cung cấp nước ngầm cho đất.

Ông Lê Huy Bá dẫn chứng, với đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài khoảng 9km, rộng 30 - 35m và chiều sâu khoảng 5m thì dung tích chứa của nó lên tới hơn 1,3 triệu m3.

"Nói như vậy để hiểu rằng việc xử lý tình trạng san lấp trái phép, lấn chiếm sông, kênh rạch, trả lại hiện trạng cũ là một tiền đề để xây dựng các dạng hồ điều tiết. Khi lòng kênh được thông thoáng, nạo vét bài bản không chỉ giúp khả năng trữ nước mà còn giúp khả năng thoát nước tốt hơn” – ông Bá nói.

Kênh A41 - một trong ba hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được thay thế toàn bộ kênh hở bằng cống hộp. Ảnh: M.Q

Tương tự, PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, việc kênh Hàng Bàng được khôi phục lại là rất quý. Theo ông Phi, đó là cách chúng ta trả lại hiện trạng cho tự nhiên, trả lại nơi mà trước đây chúng ta “chiếm chỗ” của nước. Hiện nay nếu còn kênh rạch nào thì nên giữ lại thay vì lấp kênh, làm cống hộp, rất trái tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn