MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đằng sau các tấm bảng hiệu "Bảo vệ rừng..." là những cánh rừng bị tàn phá, bị lấn chiếm. Ảnh Đình Văn

Sẵn sàng khởi tố những cán bộ sai phạm tại các Ban Quản lý rừng

ĐÌNH VĂN LDO | 04/01/2019 16:00

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Thanh tra tỉnh trình UBND tỉnh Gia Lai lên kế hoạch thanh tra tất cả các Ban Quản lý rừng phòng hộ tại Gia Lai, sẵn sàng khởi tố những cán bộ sai phạm.

Động thái chỉ đạo mạnh mẽ của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang diễn ra tại "Hội nghị Tổng kết công tác nội chính và phòng chống tham nhũng năm 2018, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019", ngày 3.1.

Việc mất rừng “đốt nóng” Hội nghị phòng chống tham nhũng. Ảnh VH

Ông Dương Văn Trang nói: "Tôi đã giao Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, tất cả các Ban Quản lý rừng phòng hộ (Ban QLR) trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu thì thanh tra hết bấy nhiêu. Không tránh, không chừa một Ban QLR nào hết, làm hết. Thanh tra phải làm nhiều nội dung, trong đó chủ yếu là quản lý, bảo vệ rừng; quản lý đất đai lâm nghiệp, mất bao nhiêu, còn bao nhiêu".

"Ban QLR quản lý 10.000ha, bây giờ để mất 100 hay 1.000ha, phải kết luận dứt khoát, nhanh, rõ ràng và sẵn sàng khởi tố tất cả những ai vi phạm, không chừa bất kỳ ai", ông Trang quyết tâm.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đặt câu hỏi: "Các đồng chí không đi thực địa, không đi cơ sở, không lội rừng nên không biết xót rừng là gì. Các đồng chí ngồi trên máy bay, nhìn xuống, có xót xa tình hình xâm hại rừng không? Nhìn xuống là thấy hết. Có người từ hai bàn tay trắng, bây giờ có 50-60ha đất (nương rẫy), vậy đất đó ở đâu ra?".

Tình trạng gian dối chất lượng, "ăn bớt" % giá trị các công trình xây dựng được Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai quan tâm.

Ông băn khoăn: Tại sao các công trình đường giao thông vừa làm đã xuống cấp? Vậy các đơn vị tư vấn giám sát trách nhiệm ở đâu? Có giám sát thi công không?

Ông Trần Hữu Đức - Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai - trả lời: Hiện nay các sai phạm trong xây dựng cơ bản xảy ra chủ yếu trong phần hồ sơ thiết kế, dự toán... Họ che đậy rất tinh vi như: Tính sai số học, có hạng mục tính sai so với thực tế gấp 10 lần (như khối lượng thép); tính sai định mức, tính sai khối lượng, sai đơn giá vật liệu… làm tăng giá trị công trình gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mặc dù đã có cơ quan thẩm định. Về chi phí không chính thức, các nhà thầu được chỉ định giám sát công trình phải trích lại cho chủ đầu tư 50% giá trị.

"Qua thực tế thanh tra cho thấy các công trình dân dụng và đường giao thông cùng một đơn vị thiết kế lập dự toán, nhưng các công trình vốn ngân sách thì dự toán tính ít sai phạm hơn so với các công trình có nguồn vốn vay, tài trợ “vốn vay ODA". Vốn vay ODA không phải là người ta cho không chúng ta đâu, mà con, cháu chúng ta phải còng lưng mà trả nợ.

Ông Đức cũng cho biết: Việc chi sai định mức, tiêu chuẩn chế độ tại một số sở ngành, huyện thị… vẫn diễn ra khá phổ biến. Có huyện lấy từ nguồn không tự chủ cả trăm triệu để đi tiếp đoàn ngoài tỉnh? Lúc làm việc với Thanh tra thì cán bộ tài chính cấp huyện nói, do Thường trực Huyện ủy "giao nhiệm vụ phải làm".

“Có trường hợp hóa đơn thì ghi mua sắm, nhưng phía sau thì ghi "chi A, B, C" nhằm hợp thức hóa số tiền cả trăm triệu đồng. Đề nghị lãnh đạo các huyện thị, sở ngành lưu tâm chỉ đạo chấm dứt ngay việc làm này", ông Đức góp ý.

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Văn Thắng đề xuất giải pháp mạnh để phòng ngừa: "Đối với các dự án xây dựng cần phải kiểm tra, rà soát lại các dự án không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Báo cáo của các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng thực sự chúng tôi chưa yên tâm, do vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát tổng thể lại, còn bao nhiêu, mất bao nhiêu... để có giải pháp khoanh nuôi, bảo tồn và phát triển để cân bằng hệ sinh thái, du lịch".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn