MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dụng cụ được dùng để kẻ vạch sân Mỹ Đình trước trận Việt Nam - Australia tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Ảnh: PV.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình chờ phê duyệt đề án để được "giải cứu"

Trần Tuấn LDO | 24/09/2021 07:50

Phó giám đốc Ban quản lý Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình cho biết nếu "Đề án khai thác tài sản công" được thông qua, đơn vị sẽ có nguồn thu ổn định, bền vững giúp chăm sóc, cải tạo chất lượng sân và chi trả lương cho người lao động.

Biện pháp trước mắt

SVĐ Mỹ Đình được xây dựng với kinh phí 53 triệu USD (khoảng 1.300 tỉ đồng) để phục vụ SEA Games năm 2003 tổ chức tại Việt Nam. Kể từ đó đến nay, SVĐ Mỹ Đình chưa được sửa chữa, chỉnh trang toàn diện lần nào.

Tình trạng xuống cấp của sân vận động quốc gia Mỹ Đình nhận được sự quan tâm của người dân, đặc biệt là sau trận Việt Nam - Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á vừa qua.

Nhiều tờ báo của Australia ví von sân Mỹ Đình là "bãi cỏ bò gặm dở" và nghi ngờ chủ nhà Việt Nam cố tình làm vậy để phá lối chơi đội khách. Huấn luyện viên đội bạn Graham Arnold cũng công khai chê mặt sân kém chất lượng.

Hình ảnh sân Mỹ Đình trận Việt Nam - Australia. Ảnh: Hoài Thu. 

Chiều 23.9, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Vấn đề về chất lượng sân Mỹ Đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã nhìn thấy. Chúng tôi cũng đã họp bàn và hiện tại đã giải quyết cơ bản được vấn đề này".

Được biết, tại buổi làm việc vào chiều 21.9, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban quản lý sân Mỹ Đình sửa chữa, nâng cấp 6 phòng gồm phòng trọng tài, phòng thay đồ mỗi đội, phòng VAR, phòng giám sát của AFC và phòng họp báo… để đạt các yêu cầu đặt ra. Đồng thời phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiến hành cải tạo mặt sân, đảm bảo chất lượng cho các cầu thủ thi đấu trong thời gian tới.

Những ngày qua, tại sân vận động Mỹ Đình có rất nhiều công nhân tham gia công đoạn cải tạo, nâng cấp một số hạng mục.

Cần giải pháp lâu dài

Việc sửa chữa, cải tạo chất lượng sân chỉ là biện pháp trước mắt. Là đơn vị tự chủ tài chính thì về lâu dài, SVĐ Mỹ Đình cần có một cơ chế để có nguồn thu ổn định, đúng quy định của pháp luật, từ đó đảm bảo kinh phí cải tạo, nâng cấp sân thường xuyên cũng như việc chi trả lương cho người lao động.

Tuy vậy theo chia sẻ của ông Trần Văn Chiên, Phó giám đốc BQL Khu Liên hợp thể thao quốc gia (KLHTTQG) Mỹ Đình, từ tháng 7.2020 đến nay ngân sách hoạt động của đơn vị này gần như trống rỗng. Do vậy, dù biết sân xuống cấp nhưng cũng không có tiền để cải tạo. Từ tháng 8.2021, KLHTTQG cũng đã phải giảm 50% lương của nhân viên. Dự kiến tháng 10 tới đây chưa có nguồn tiền để trả lương cho người lao động.

“Trước đây, thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa, từ năm 2009 - 2018, mỗi năm thu từ 50 tỉ đến 70 tỉ đồng, nhưng tiêu sạch, tiền nhà nước đầu tư bị thất thoát. Hiện, nguồn thu của đơn vị chỉ đến từ việc cho thuê một số kho để đồ nhưng cũng bị truy thu thuế 8% trên tổng nguồn thu do từ thời lãnh đạo trước vẫn nợ đọng thuế 658 tỉ đồng”, ông Chiên cho biết.

Để có nguồn kinh phí hoạt động phục vụ cho sự phát triển lâu dài, Phó giám đốc BQL KLHTTQG cho biết, đơn vị đã có 2 kế hoạch triển khai nhưng đều đang bế tắc.

Sân Mỹ Đình có sức chứa hơn 40 nghìn chỗ ngồi. Ảnh: Đăng Huỳnh. 

Thứ nhất là truy thu số tiền sai phạm từ thời lãnh đạo cũ. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2008 - 2019, việc cải tạo đường pitch sân Mỹ Đình do nhà thầu là Công ty TNHH Thể thao Quang Tuyến thực hiện bị nâng khống giá 2,46 lần, từ 8 tỉ đồng lên 19,7 tỉ đồng. Việc nhập máy làm nóng nước bể bơi do nhà thầu là Công ty TNHH TM&DVXD Hoàng Nguyên bị đội giá 7,5 lần từ gần một tỉ đồng lên 7 tỉ đồng. Việc cải tạo sân tập số 1 và số 2 cũng bị đội giá 5,5 tỉ đồng. Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Khu liên hợp làm việc với nhà thầu để truy thu nhưng vẫn chưa được triển khai.

“Vì đợt dịch thứ tư xảy ra nên các đối tác chưa đến được dù chúng tôi đã có giấy mời làm việc. Nếu thu được nguồn đó thì chúng tôi cũng có nguồn thu đáng kể để cải tạo cơ sở vật chất và cải thiện đời sống anh em, trả lương đầy đủ", ông Trần Văn Chiên cho biết. 

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Ban quản lý KLHTTQG đã xây dựng "đề án về khai thác tài sản công" tại sân Mỹ Đình trình Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nhưng gần hai năm qua chưa được thông qua.

“Gần 10ha đất ở gần Liên đoàn bóng đá để không gần 3 năm nay rồi. Bên cạnh đó là rất nhiều phòng, diện tích có thể cho thuê, từ có có nguồn thu trả lương cho cán bộ, nhân viên, chăm sóc, cải tạo sân, tạo nguồn lực phát triển lâu dài… Nhưng muốn làm được việc đó thì “đề án khai thác tài sản công” phải được thông qua nếu không thì là mình đang làm chui. Đây là sự lãng phí lớn”, ông Trần Văn Chiên nói, "nếu đề án được thông qua thì sân Mỹ đình sẽ được giải cứu".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn