MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Triệu Minh Tùng dâng hương lên phần mộ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Phạm Đông.

Sáng tháng bảy và giây phút xúc động bên mộ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Phạm Đông - Vương Trần LDO | 27/07/2019 13:33
Như một thông lệ, hàng năm vào ngày Thương binh liệt sĩ (27.7), có rất đông người đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Nhổn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nhiều người khi đến nghĩa trang thắp hương đều ghé qua phần mộ của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm.

Có mặt tại nghĩa trang, nhóm PV Báo Lao Động không khỏi bồi hồi, xúc động khi thắp những nén hương thơm tưởng nhớ vong linh những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.

Rất đông người dân đến thăm, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn. Ảnh: Trần Vương.

Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1943 tại Hà Nội, là con gái đầu của một gia đình trí thức. Bố chị là bác sĩ người gốc Huế, còn mẹ chị là dược sĩ gốc người Quảng Nam. Tốt nghiệp hạng ưu Đại học Y khoa Hà Nội 1966, chị tình nguyện vượt Trường Sơn vào công tác tại chiến trường Quảng Ngãi. 

Suốt thời gian ấy, chị Trâm cùng đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng nghìn thương binh và nhân dân Đức Phổ. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3.1967, chị vào đến Quảng Ngãi và đã sống, chiến đấu cùng vùng đất này cho đến ngày hy sinh 22.6.1970.

Hơn 2000 ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn. Ảnh: Trần Vương

Cũng giống như hàng trăm ngôi mộ tại đây, nơi an nghỉ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - nữ bác sĩ chiến trường không có gì quá khác biệt, dù lúc nào cũng có hoa tươi, những bông hoa trắng dịu dàng và thơm ngát do nhiều người đến thăm chị đặt lên.

Trao đổi với Lao Động, anh Triệu Minh Tùng (31 tuổi, Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh và nhiều người biết đến bác sĩ Ðặng Thùy Trâm thông qua cuốn nhật ký của chị. Ðối với anh, chị là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

"Sáng nay tôi đã phải xin nghỉ việc để dậy từ sớm, chuẩn bị mọi thứ ra viếng nghĩa trang. Do điều kiện không cho phép nên đây là lần thứ 3 tôi có mặt tại nghĩa trang để thắp những nén hương tưởng nhớ đến chị và các anh hùng liệt sĩ khác.

Càng tìm hiểu về chị bao nhiêu, mọi người càng mến phục chị bấy nhiêu. Một nữ bác sĩ trẻ, bỏ lại sau lưng cuộc sống yên ấm cùng gia đình, người thân, xung phong vào nơi đầy hiểm nguy, khó khăn mà vẫn làm tốt việc chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh và nhân dân trong chiến tranh. Chị là tấm gương của lòng bao dung, độ lượng, thương yêu đồng đội, thật xứng đáng là lương y như từ mẫu" - anh Tùng nói. 

Với những người dân khi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn đều cho biết, không có bất cứ thước phim nào đã xem có thể cận cảnh nỗi đau, tình yêu và tình người trong chiến tranh chân thực và sống động hơn những dòng chữ thanh mảnh, nghiêng và gầy của Th. (cách Đặng Thùy Trâm tự gọi mình) trong từng trang Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Trang bìa cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm cùng bút tích của chị. Ảnh: Long Nguyễn

Trong nhật ký, chị ghi hầu hết những cảm xúc, những cung bậc tình cảm của mình, những trải nghiệm tại thời điểm đó. Khởi đầu cuốn nhật ký, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã lưu bút những tin vui trong quá trình chữa trị cho các thương binh.

Tuy nhiên sau đó, cô gái trẻ vẫn cảm thấy buồn, "một nỗi buồn thấm sâu trong lòng như những giọt mưa thấm sâu trong lòng đất của những ngày mưa dài rả rích". Sau đó, chị đã tìm ra giải pháp để hoá giải được nó là "chỉ có một yêu cầu: điều trị cho thương binh, xây dựng bệnh xá cho tốt...".

Có thể thấy, ngôi mộ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm lúc nào cũng có hoa tươi, những bông hoa trắng dịu dàng và thơm ngát do nhiều người đến thăm chị đặt lên. Nó như một nhịp cầu gắn kết những con người của thời chiến và thời bình gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách giữa người sống và người đã khuất. Thể hiện sự tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Những tâm tư của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Long Nguyễn

Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn có hơn 2.000 ngôi mộ Liệt sĩ đã hy sinh trong cả bốn thời kỳ: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc và thời bình. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nghĩa trang xây dựng từ những năm 1950, đây cũng là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Hiện còn 39 ngôi mộ Liệt sĩ chưa biết tên. Từ đầu năm 2019 đến nay, nghĩa trang này đã tiếp nhận 3 hài cốt Liệt sĩ từ nghĩa trang các mặt trận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn