MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Lê Vân Trình trả lời Báo Lao Động sáng 15.5 Ảnh: Trần Kiều

Sập công trình ở Đồng Nai: Có thể doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận

Quỳnh Chi LDO | 15/05/2020 10:38
Liên quan đến vụ tai nạn lao động thương tâm vừa xảy ra tại Đồng Nai khiến hàng chục lao động thương vong, trao đổi với PV Lao Động, GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam nhận định có thể doanh nghiệp chạy theo tiến độ thời gian, lợi nhuận nên đã dẫn đến sự việc đau lòng. 

Thưa GS.TS Lê Vân Trình, liên quan đến vụ tai nạn lao động thương tâm vừa xảy ra tại Đồng Nai, cá nhân ông có quan điểm như thế nào? 

Tôi chưa vào trực tiếp hiện trường. Tuy nhiên, qua ảnh và clip mà chúng tôi được xem, tôi thấy một số sai sót có thể xảy ra: Một là, về nguyên tắc với những tường cao phải có trụ đỡ; hay các bổ trụ để giữ. Bổ trụ phải được thiết kế đúng theo quy phạm.

Tuy nhiên, nhìn những trụ tại hiện trường rất nhỏ, cốt thép lòi ra, chúng tôi nhận thấy có những sai sót trong thiết kế. Thứ hai, sai sót ở khâu thi công, tường cao có thể do bị gấp rút về tiến độ thời gian nên họ đã xây rất nhanh mà không đảm bảo quy trình là đến độ cao nhất định cần phải dừng lại một thời gian cho các lớp tường khô cứng mới xây lên tiếp. 

Thứ ba, đây là sai sót lớn nhất rất dễ dẫn đến tai nạn lao động là thiếu giám sát trong quá trình tổ chức sản xuất, quản lý sản xuất. Nếu tổ chức kiểm tra giám sát tốt thì sẽ có đơn vị thiết kế, đơn vị giám sát thi công. Khi đơn vị giám sát thi công nhận thấy nguy cơ mất an toàn họ sẽ yêu cầu dừng lại ngay.

Với kinh nghiệm của cá nhân ông, ông có cho rằng trong vụ việc này có thể còn nạn nhân chưa được tìm thấy? 

Với bức tường cao và dài như thế, điều đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện trường không đến mức quá nhiều khối bê tông lớn, chủ yếu tường gạch và cột trụ đỡ nhỏ nên sẽ không lâu về thời gian cứu hộ. Nhưng con số thiệt hại về người hiện nay đã là quá nhiều. 

Thưa ông, theo thống kê hằng năm của cơ quan chức năng, chúng ta có không ít những vụ tai nạn lao động với hậu quả đau lòng. Ông có khuyến cáo gì trước tình trạng này?

Chúng ta đã có Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Nếu chúng ta làm đúng tất cả các điều Luật đã định thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ rủi ro có thể xảy ra như vụ việc vừa qua. Hiện nay, không ít doanh nghiệp không tuân thủ theo Luật mà chạy theo thời gian, lợi nhuận. Họ bỏ qua những khâu cơ bản của giám sát thiết kế cũng như giám sát thi công.

Chúng ta có nên đề xuất khung mức xử phạt nặng hơn về cả kinh tế lẫn xử lý hình sự với những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng để tăng tính răn đe?

Tôi rất nhất trí. Ví dụ như Nghị định 100, người lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định bị phạt hàng chục triệu đồng và tịch thu bằng lái xe gần 2 năm. Đây là hình phạt mà tất cả các lái xe đều sợ. Cũng vì thế, khi Nghị định 100 ra đời, lập tức các quán bia, nhà hàng, quán nhậu đều ế ẩm. Lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động đang giới hạn mức phạt 2 tỉ đồng, thực tế thực thi mức phạt cao phổ biến khoảng vài trăm triệu, mức phạt này chưa đủ sức răn đe.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn