MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh Vành đai 4 TPHCM khi đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Sắp trình Quốc hội xem xét dự án Vành đai 4 TPHCM dài 207km

MINH QUÂN LDO | 31/08/2024 17:48

Dự án Vành đai 4 dài 207km đi qua TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tháng 10.2024.

Ngày 31.8, UBND TPHCM có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án đường Vành đai 4 TPHCM.

Toàn tuyến dài 207km, giai đoạn 1 xây 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy. Giai đoạn này cũng sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai.

Tổng mức đầu dự án Vành đai 4 TPHCM ước tính khoảng 128.063 tỉ đồng.

Trong đó, đoạn TPHCM dài 17,3km (14.089 tỉ đồng); đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,1km (7.972 tỉ đồng); đoạn qua Đồng Nai dài 45,6km (19.151 tỉ đồng); đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47,5km (19.827 tỉ đồng); đoạn qua tỉnh Long An dài hơn 78km (67.024 tỉ đồng).

Hướng tuyến Vành đai 4 TPHCM. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TPHCM

Mới đây, UBND TPHCM đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh tập trung cao độ và khẩn trương phối hợp với UBND TPHCM để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10.9.

UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án Vành đai 4 TPHCM. Bên cạnh đó là nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến đường.

TPHCM sẽ chủ trì phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10.2024.

UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì tham mưu tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng về việc cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký chương trình làm việc trong kỳ họp tháng 10.2024.

Trước đó, ngày 12.8, UBND TPHCM có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TPHCM.

Theo đề xuất, giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TPHCM; được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác làm dự án (như cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Riêng đoạn qua tỉnh Long An đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Riêng TPHCM sẽ tự cân đối vốn.

Cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án,…

Khu vực TPHCM được quy hoạch bao quanh bởi 3 tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài Vành đai 4, tuyến Vành đai 3 đi qua TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76km đang được triển khai với kế hoạch hoàn thành năm 2026.

Riêng Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận TPHCM, dài khoảng 64 km, còn 14km (chia làm 4 đoạn) chưa được khép kín.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn