MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Đỗ Tâm

Sắp xếp 52 phường, xã ở Hà Nội, người dân chuyển đổi giấy tờ ra sao?

KHÁNH AN LDO | 05/03/2024 15:48

TP Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ sau khi sáp nhập phường, xã.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Hà Nội giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.

Các quận, huyện, thị xã có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai và Sơn Tây.

Ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - cho biết, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể nội dung này trong thời gian tới.

Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được thành phố chỉ đạo Công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ.

Thực tế trước đây, trong giai đoạn 1 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an thành phố xuống tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm thủ tục hành chính cho người dân, nên người dân có thể yên tâm về vấn đề này.

Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính để thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, Ban Chỉ đạo thành phố đã có chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.

Ông Trần Đình Cảnh cũng cho biết, sau khi có hướng dẫn của Sở Nội vụ, các quận, huyện đã triển khai rà soát rất nghiêm túc, lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư theo đúng quy định tại Nghị định số 66/2023/NĐ-CP.

Đáng chú ý, nếu như trước đây việc lập danh sách cử tri lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính chỉ hướng tới những người dân nơi cư trú thì nay theo Nghị định số 66/2023/NĐ-CP sẽ lấy ý kiến thêm đối với những người có đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên.

Qua danh sách cử tri được niêm yết trong vòng 30 ngày, người dân kiểm tra thông tin nếu phát hiện sai sót thì phản ánh ngay, từ đó cán bộ thôn, tổ dân phố sẽ báo cáo UBND xã, phường để chỉnh sửa hoặc bổ sung thông tin cử tri chính xác, kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn