MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nạn khai thác cát trên sông được xác định là một trong những nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy khiến sạt lở bờ sông diễn ra nhanh hơn, nhiều hơn. Ảnh: LỤC TÙNG

Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL: Nghi vấn đê bao là “thủ phạm giấu mặt”

LỤC TÙNG LDO | 17/10/2018 11:58

Sau khi báo Lao Động đăng bài viết “ĐBSCL: “Oằn mình” trong sạt lở mùa lũ”, phản ánh tình trạng sạt lở đất bờ sông bùng phát ngay trong thời điểm trái mùa, nhiều ý kiến cho rằng, chính hệ thống đê bao (HTĐB) là “thủ phạm giấu mặt”.

Kênh - đê, chuyện không chỉ của “ngày hôm nay”

Theo đó, ý kiến này được hiểu rằng: Chính HTĐB được xây dựng trong 40 năm qua là “thủ phạm” gây ra nạn sạt lở đất bờ sông. Cụ thể, việc xây đê, đắp đập chắn lũ làm mất 2 túi nước thiên nhiên là Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và Đồng Tháp Mười (ĐTM), qua đó dồn nén dòng chảy tràn ngập lụt vào lòng sông làm gia tăng tốc độ dòng chảy, dẫn đến sạt lở đất bờ sông mạnh thêm và nhiều thêm.

Thực tế cho thấy, từ hàng trăm năm trước, dù HTĐB chưa thật nhiều cũng đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông. TS Tô Văn Trường - chuyên gia nghiên cứu độc lập về thủy lợi - cho biết, qua nghiên cứu các tài liệu của các nhà khoa học và sử học, kết hợp điều tra trong dân gian cho thấy, hơn nửa thế kỷ trước, sông Cửu Long đã có quá trình diễn biến lòng dẫn và sạt lở đất bờ sông mạnh mẽ, trên diện rộng. Nhất là tại các đoạn đi qua Tân Châu, Chợ Thủ, Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Hồng Ngự, Sa Đéc (Đồng Tháp), Cần Thơ. “Phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp ĐBSCL thời kỳ 1960 - 1975 cho thấy, trong lòng TGLX, ĐTM có nhiều dấu tích lòng sông cổ. Các nhà địa chất và thủy văn cho rằng, đó chính là minh chứng nói lên hệ thống sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ xa xưa đã từng đổi dòng liên tục nhiều lần trước khi đi đến hệ thống hiện hữu như ngày nay” - TS Trường nhấn mạnh thêm: “Riêng sông Vàm Nao (An Giang) theo tư liệu của các nhà khoa học Pháp, trước thế kỷ 18, sạt lở bờ bên phía huyện Phú Tân. Nhưng, qua quá trình diễn biến lòng sông, dòng chảy “lật mình” sang phía huyện Chợ Mới như hiện nay”.

Thủ phạm của nạn sạt lở?

Theo TS Tô Văn Trường, HTĐB trong vùng ngập lụt ĐBSCL được dựa vào thế địa hình tự nhiên của hệ thống sông, kênh, rạch và đường đi có sẵn để xây dựng kiểu khoanh vùng cho từng cánh đồng. Nói chính xác hơn, hệ thống sông kênh rạch ĐBSCL - nơi chuyển tải trên 90% dòng chảy sông Cửu Long - vẫn duy trì hoạt động lưu thông dòng chảy bình thường. Trong khi đó, chỉ có khoảng 8% chảy tràn qua các cánh đồng ngập lụt ĐTM, TGLX, khu vực giữa sông Tiền, sông Hậu. Lượng nước này không đủ để trở thành thủ phạm gây sạt lở đất bờ sông. Cụ thể, với vùng TGLX, rộng 4.000km2, ứng với thời gian đỉnh điểm lũ của các trận lũ lớn lịch sử (1961, 1966, 1978, 1984, 1991, 1996, 2000…) bình quân ngập sâu khoảng 1,75m, tương ứng tích trữ được khoảng 6 - 7 tỉ mét khối nước.

Với mật độ kênh, rạch dày đều tới 0,45km/km2 khắp vùng ĐBSCL, tốc độ dòng chảy qua mặt cắt ngang bình quân trên toàn hệ thống sông kênh rạch sẽ đạt khoảng 0,08m/s đến 0,15m/s (tùy thuộc vào diễn biến lũ hàng năm). “Với trị số này, dòng chảy chưa có khả năng làm gia tăng mức đào xói lòng dẫn và gây ra sạt lở đất bờ sông như có ý kiến quan ngại” - TS Trường nhấn mạnh thêm: “Các số liệu đo đạc thủy văn có hệ thống và liên tục từ 1978 - 2016 tại 5 trạm chủ chốt trên nhánh chính sông Cửu Long là: Tân Châu, Châu Đốc, Vàm Nao, Cần Thơ, Mỹ Thuận bằng máy móc hiện đại cho thấy, chưa phát hiện lộ trình gia tăng tốc độ dòng chảy theo thời gian trong mùa lũ cũng như trong mùa kiệt”.

TS Bùi Đạt Trâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn An Giang còn cho rằng, HTĐB có tác dụng giữ màu mỡ cho đất. “Nếu cứ để nước lũ chảy tràn tự nhiên triền miên đời này nối tiếp đời khác thì sẽ đến ngày bị sa mạc hóa, đá ong hóa, vì dòng lũ chảy tràn sẽ bào mòn, hòa tan những vi lượng quý hiếm tạo ra đất, tiêu dần ra biển. Trên thế giới một số lưu vực sông vùng Trung Đông và Châu Phi bị sa mạc hóa do để tiêu nước quá mức triền miên trên bề mặt châu thổ là những minh chứng điển hình” - TS Trâm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn