MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, Sóc Trăng chờ một giải pháp lâu dài

Văn Sỹ LDO | 15/02/2023 06:28

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện trên 40 đoạn đường, đê, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 1.000m. Riêng trong tháng 1.2023, có 260m bờ sông, bờ bao, đường giao thông và sạt lở 20m đê biển ở một số khu vực trong tỉnh. 

Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân

Thông tin trên vừa được Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Cũng theo ông Đạo, chỉ tính riêng trong tháng 1.2023, tình trạng sạt lở đã ảnh hưởng đến 24ha lúa, hoa màu và cây ăn trái của người dân.

 Sạt lở bờ bao ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Bà Nguyễn Thị Nhung, người dân xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung chia sẻ, do gia đình ở gần khu vực bờ sông nên cứ mỗi lần bị sạt lở là vườn cây nhà bà bị nước tràn vào, ảnh hưởng đến cây trồng.

“Nhiều năm rồi, khu vực này thường bị sạt lở và được ngành chức năng khắc phục, thế nhưng do khắc phục tạm bợ nên cứ đến mấy con nước lớn lại bị sạt lở. Đợt sạt lở sau Tết Quý Mão vừa rồi, nhờ chính quyền địa phương và người dân phát hiện sớm và đắp đê bao kịp thời nên vườn cây nhà tôi ít bị ảnh hưởng, nhưng các hộ khác bị thiệt hại một số ao cá, vườn cây. Bà con ở đây lo lắng lắm và mong các cấp trên đầu tư làm đê bao kiên cố, chắc chắn hơn để lâu dài không xảy ra sạt lở cho bà con yên tâm sản xuất”, bà Nhung bày tỏ.

 Sạt lở tại xã Mỹ An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

Cùng với huyện Cù Lao Dung, Kế Sách cũng là địa phương thường xảy ra sạt lở bờ sông, đường giao thông. Theo ghi nhận, trên tuyến Hương lộ 6, người dân sống gần các khu vực thường xảy ra sạt lở luôn sống trong nỗi bất an, lo lắng.

 Đoạn đường Hương Lộ 6 thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng) sạt lở nghiêm trọng vào tháng 7.2022. Ảnh: Văn Sỹ

“Mặc dù hiện tại, chỗ sạt lở đã được be đắp, nhưng vợ chồng tôi cũng như một số hộ dân sống dọc đây vẫn lo lắng và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó nếu sạt lở tiếp tục xảy ra. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có biện pháp làm đê kè bê tông chắc chắn để ngăn chặn tình trạng sạt lở lâu dài, giúp bà con yên tâm hơn”, ông Trần Hoàng Lương, xã An Mỹ, huyện Kế Sách bày tỏ.

Mặc dù được be đắp khắc phục tạm, nhưng những hộ dân sống gần khu vực sạt lở trên Hương Lộ 6 vẫn luôn lo lắng, bất an. Ảnh: Văn Sỹ 

Theo ghi nhận tại nhiều đoạn đường giao thông nông thôn, bờ bao thuộc huyện Kế Sách, Cù Lao Dung cũng bị sạt lở. Trong đó, một số đoạn sạt lở hoàn toàn xuống sông, gây sụp lún đường và đã được người dân cùng chính quyền địa phương gia cố, khắc phục nhằm hạn chế những thiệt hại, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và đảm bảo cho việc lưu thông.

Cần nguồn vốn thực hiện công trình phòng chống sạt lở

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với các địa phương khảo sát và nắm tình hình tại các điểm sạt lở vừa xuất hiện để tham mưu đề xuất các giải pháp khắc phục tạm thời.

Cùng với đó là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại tài sản và tính mạng.

 Sạt lở đoạn đường giao thông ở xã Mỹ An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: Văn Sỹ

“Đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn chỉ mang tính khắc phục tạm thời theo phương thức xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đảm bảo tuyệt đối và cũng có những điểm khắc phục tạm thời sau đó vẫn xảy ra sạt lở.

Về lâu dài, tỉnh cần nguồn kinh phí hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông thông qua các giải pháp công trình và phi công trình. Vậy nên ngoài sự quan tâm dành nguồn kinh phí của tỉnh, Sóc Trăng cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí trung ương mới có thể triển khai thực hiện”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn