MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà dọc bờ kênh bị sạt lở trên địa bàn xã An Minh Bắc. Ảnh: Nguyên Anh

Sạt lở gây thiệt hại 60 tỉ đồng, thêm nhiều nhà dọc kênh có nguy cơ sạt lở cao

NGUYÊN ANH LDO | 03/04/2024 16:46

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận thiệt hại 13 căn nhà, 215 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài hơn 6.500m đường trên địa bàn huyện U Minh Thượng, ước thiệt hại nhà và đường khoảng 60 tỉ đồng.

Theo UBND huyện U Minh Thượng, đến ngày 2.4, huyện ghi nhận có 215 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài 6.567m. Trong đó, Đường tỉnh 965 có 28 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài 645m, đường giao thông nông thôn có 187 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài là hơn 5.900m. 2 địa bàn trọng điểm xảy ra tình trạng này là xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Địa bàn xã An Minh Bắc có 124 điểm sạt lở với chiều dài 4.676m. Trên địa bàn xã Minh Thuận có 91 điểm sạt lở với chiều dài 1.891m.

Cầu bị sạt lở, đứt gãy trên địa bàn xã An Minh Bắc. Ảnh: Nguyên Anh

Trong 13 căn nhà bị thiệt hại có 9 căn ở xã An Minh Bắc, 4 căn ở xã Minh Thuận. Ngoài ra, qua khảo sát, thống kê có 437 căn nhà dọc theo các tuyến kênh, trong số đó có 57 căn có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian tới.

Qua khảo sát thực tế của địa phương, tình hình nước ngọt phục vụ cho sản xuất, tưới cho hoa màu, cây ăn trái đảm bảo, do người dân đã ý thức bơm dự trữ vào các kênh, mương nông hộ. Tuy nhiên, đối với 749,9 ha diện tích nuôi tôm càng từ 2-3 tháng của 274 hộ trong khu vực vùng đệm có khả năng thiếu nước cấp vào ao nuôi do nước ở các tuyến kênh hiện nay đã khô cạn.

Ông Dương Quốc Khởi - Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết, huyện đã chỉ đạo UBND các xã rà soát số hộ có khả năng thiếu hụt nước trong mùa khô năm 2024, đặc biệt khu vực chưa có tuyến ống cấp nước sạch, và đề xuất các giải pháp. Bên cạnh đó, huyện đã đăng ký nhu cầu đầu tư hơn 1.700 dụng cụ chứa nước, 209 giếng khoan và kéo dài 124,5km tuyến ống nước sạch từ trạm cấp nước tập trung gửi về Trung tâm Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để ứng phó thiếu nước, hạn mặn năm 2024.

Huyện cũng đã chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời hỗ trợ di dời, thăm hỏi động viên các hộ dân có nhà bị sạt lở, sụt lún; Phòng NNPTNT, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đang phối hợp với các ngành chuyên môn, UBND xã Minh Thuận, An Minh Bắc triển khai các biện pháp khắc phục tạm thời hậu quả do sạt lở gây ra đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt đối với các hộ cất nhà ven kênh (cặp lộ) trong khu vực vùng đệm vận động những hộ có điều kiện nên di dời và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở cao.

UBND huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh, Sở NNPTNT xem xét, nếu như đã đủ điều kiện thì sớm công bố cấp độ rủi ro thiên tai. Từ đó có các chính sách hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, giảm thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn