MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một gia đình ở tạm nhà người quen sau sạt lở nghiêm trọng ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ.

Sạt lở "ngoạm" căn nhà chục năm tích cóp, gia đình công nhân tìm nơi tá túc

HOÀNG LỘC LDO | 10/06/2023 11:50

Sau vụ sạt lở ngày 9.6, nhiều hộ dân sinh sống ở ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ gặp khó khăn, trong đó gia đình anh Nguyễn Duy Khanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc phải di dời tìm nơi ở tạm.

Vừa nghe điện thoại của vợ là chị Nguyễn Ngọc Triều báo việc sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến ngôi nhà đang sinh sống của gia đình, anh Nguyễn Duy Khanh đã tức tốc di chuyển từ Hà Nội về huyện Long Hồ, Vĩnh Long ngay trong ngày.

Gia đình anh Nguyễn Duy Khanh có 7 người, trong đó cha, mẹ già hơn 70 tuổi và 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Bản thân anh Khanh đi làm công nhân tại Hà Nội, công việc gia đình giao chị Triều chăm sóc.

Sau vụ sạt lở, 7 người trong gia đình anh không thể ở tiếp trong ngôi nhà vì không đảm bảo an toàn tính mạng, nhưng việc tìm nơi ở lại gặp nhiều khó khăn.

Vụ sạt lở ngày 9.6 vừa qua có 2 gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải tìm nơi ở tạm. Ảnh: Hoàng Lộc

Anh Duy Khanh tâm sự hoàn cảnh gia đình vốn đã thiếu trước hụt sau, giờ phải đi ở tạm. Sau đó nếu chưa có nơi ở thì phải tốn tiền thuê nhà.

“Lương đi làm công nhân của tôi ở Hà Nội hàng tháng từ 10 - 12 triệu nhưng phải lo cho gia đình 7 miệng ăn, tiền học của 3 con nhỏ, tiền thuốc cho cha, mẹ già. Tháng nào gói ghém lắm mới đủ chi tiêu vì vợ phải ở nhà chỉ lo nội trợ”, anh Khanh chia sẻ.

This browser does not support the video element.

Anh Nguyễn Duy Khanh tâm sự về khó khăn của gia đình sau sạt lở. Video: Hoàng Lộc

"Vợ, chồng tôi dành dụm hơn chục năm mới sửa chữa lại được ngôi nhà này của cha mẹ để ở, tốn cũng hơn trăm triệu. Bây giờ, nhà bị sạt lở, muốn có chỗ ở mới cũng không thể được vì không còn đất để cất nhà mới. Trong khi thu nhập tháng nào thì chỉ đủ lo ăn, lo mặc tháng đó", anh Duy Khanh nói thêm.

Chị Ngọc Triều (vợ anh Khanh) cũng chia sẻ trong lo lắng: “Gia đình có người lớn tuổi lại đông con nhỏ thế này đi tìm phòng trọ ở cũng không phải là chuyện đơn giản. Trước khó khăn này, một người thân cho ở tạm vài ngày trong ngôi nhà trống cách nhà cũ khoảng 3 km. Khoảng 5 ngày sau, nếu gia đình tôi chưa được bố trí nơi ở mới an toàn thì phải trả tiền thuê nhà”.

Gia đình anh Nguyễn Duy Khanh phải đi ở tạm gia đình người thân trong một vài ngày chờ khắc phục sạt lở. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Võ Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ thông tin, huyện đã chỉ đạo địa phương bố trí nơi ở tạm trong khi chờ đợi huyện tham mưu thông báo phương pháp khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Sơn, trong 2 đoạn sạt lở nghiêm trọng tại ấp Phú An, xã Phú Đức, hộ ông Nguyễn Hồng Hải (cha của anh Nguyễn Duy Khanh) và hộ ông Nguyễn Thành Nghiêm bị ảnh hưởng nặng và đăng gặp khó khăn về nhà ở. Trước mắt, các hộ này tìm chỗ ở trọ và ở nhờ nhà người thân trong khi chờ Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ của huyện và chính quyền địa phương bố trí nơi ở mới.

Như Lao Động đã thông tin, tại ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long xảy ra 2 đoạn sạt lở và nguy cơ sạt lở dài hơn 300m ảnh hưởng đến 24 hộ dân có hơn 120 nhân khẩu sinh sống nơi đây.

Sau sạt lở, lãnh đạo huyện Long Hồ, chính quyền địa phương xã Phú Đức và các ngành địa phương đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, lực lượng dân quân cũng đã đến hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản.

Quan sát tại hiện trường cho thấy tiếp tục có nhiều vết nứt, trải dài đoạn đường gần 200m, trong đó có nứt cả tường rào của trên 3 hộ dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn