MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu dân cư vắng vẻ không người ở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: T.L

Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Gian nan ổn định đời sống người dân

TRẦN LƯU LDO | 10/04/2020 11:00

Sạt lở và sụt lún đất đang diễn ra khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, các địa phương đã xây dựng các cụm, tuyến dân cư (CTDC) đưa người dân về nơi ở mới. Tuy nhiên, các CTDC này lại chưa phát huy được vai trò trong việc ổn định cuộc sống và sản xuất. Từ đó, người dân liều mình quay về chỗ cũ, bất chấp nguy hiểm…

Chỗ mới rất khó sống!

Nhiều năm qua, các địa phương ĐBSCL đã triển khai xây dựng nhiều CTDC cho những người dân bị ảnh hưởng sạt lở. Tuy nhiên, nhiều CTDC ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… lại bỏ hoang vì không có người ở. Tại nhiều khu dân cư, nhiều ngôi nhà cấp bốn xây tường kiên cố hoặc đổ cột bêtông, lợp tole chạy dài cả cây số trong tình trạng… vườn không nhà trống! Bên ngoài cỏ dại mọc um tùm, tường nhà rêu phủ kín, nứt nẻ, trơ khung chẳng khác nào “nhà ma”.

Ông Lê Văn Sáu (51 tuổi, khu dân cư ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) kể: Do bị sạt lở, gia đình ông phải dọn vào đây sinh sống. Được một thời gian, thấy cái gì cũng bất tiện nên một số hộ đã về lại nơi cũ hoặc bỏ đi thành phố mưu sinh. Khi ở nhà sát mé sông, nông dân còn nhờ nắm rau, chăn nuôi gà, vịt cải thiện đời sống. Còn bây giờ lên đây, đất đai chật chội chỉ đủ để cất nhà, không có khoảnh vườn trồng trọt, lại cấm chăn nuôi đến nỗi cái gì cũng phải mua thì rất khó sống”.

Theo nhiều gia đình sống tại các KDC, những năm gần đây, sạt lở bủa vây người dân đồng bằng, lũ nhỏ khiến nguồn lợi thủy sản theo đó cũng dần cạn kiệt, làm cho sinh kế của biết bao gia đình khó hơn bao giờ hết. Từ đó, nhiều người phải đi tìm vùng đất hứa, bỏ lại những CTDC nằm trơ trọi, đìu hiu.

Dân sống tại CTDC phần lớn thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất. Để “bám rễ” trên vùng đất mới, họ phải tự tạo sinh kế bằng nhiều cách. Nhưng trước nhiều thách thức và nguồn thu nhập thấp, đời sống của họ trở nên hắt hiu.

Hứa hẹn hỗ trợ nhưng chưa thấy đâu

Tại KDC Mỹ Hòa (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang), bà Bùi Thị Kết (62 tuổi) kể, sau vụ sạt lở, gia đình được bố trí tái định cư và cất nhà ở đến nay gần 1 năm. Để cất được căn nhà có diện tích 80m2, gia đình bà Kết phải bỏ ra số tiền 340 triệu đồng.

“Tiền gom góp của mấy chục năm, con dâu đi mượn sổ đỏ của cha ruột vay thêm 70 triệu đồng... mới đủ. Hiện gia đình còn thiếu nợ 50 triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi hơn 1 triệu đồng. Mới đầu, xã họp dân kêu về đây ở đi, 10 ngày sau sẽ cấp sổ đỏ và cho vay 20 triệu đồng, nhưng đến giờ chưa thấy gì. Cuộc sống chúng tôi giờ khó khăn hơn bao giờ hết” - bà Kết vừa buồn vừa bức xúc nói.

Tại điểm sạt lở ở thị trấn Mái Dầm, Hậu Giang, bà Phạm Thị Thơi đang buôn bán tạp hóa, một phần căn nhà đã bị sạt xuống sông nhưng gia đình bà vẫn bất chấp nguy hiểm, quyết không di dời. “Địa phương có vận động chúng tôi di dời và hỗ trợ nền ở khu dân cư (KDC) vượt lũ nhưng tôi không đi, bởi vào rừng thì buôn bán cho ai. Nhà tôi phía sau còn dài lắm, có lở thì lùi vào nữa thôi”.

Ông Lê Hữu Phú - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp - lý giải: “Người dân sống ở tuyến dân cư thường có thu nhập thấp, trong độ tuổi lao động nên họ chọn đi thành phố. Từ đó, rất nhiều nhà cửa bỏ hoang, còn lại người già và trẻ nhỏ. Thậm chí, một số hộ dân vùng sạt lở khi địa phương bố trí vào khu dân cư thì thẳng thừng từ chối. Còn một số người đồng ý nhận nền, cất nhà nhưng sau đó quay về chỗ cũ ven sông vì họ cho rằng không sống được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn