MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau 2 vụ cô giáo “quyền lực”: Cần dạy trẻ kỹ năng ứng phó tình huống "bạo lực học đường"

Khánh Hạ - Hà Phương LDO | 07/04/2018 10:00
Những hành vi bạo lực không phải những hành vi được dự kiến trước, mà đều xảy ra bất ngờ với cả thầy và trò. Vì vậy, không thể để xảy ra những sự việc đáng tiếc mới tìm cách ứng phó!

Mối quan hệ giữa thầy và trò trong quan niệm của người Việt Nam là mối quan hệ có tính chất phân tầng, thầy cô là những người có quyền lực. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ mới xảy ra gần đây mà đã có từ khi hình thành mối quan hệ giữa hai nhân tố này. Chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia Tâm lý PGS.TS Trần Thu Hương có quan điểm nên để trẻ được bày tỏ ý kiến của mình.

PGS.TS Trần Thu Hương - Giảng viên Khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo bà, bản chất hành vi của 2 cô giáo "quyền lực" là cô giáo Trần Thị Minh Châu và cô Nguyễn Thị Minh Hương là gì?

- Đây đều là những hành vi bạo lực học đường. Tuy nhiên, trong hệ thống luật pháp Việt Nam chưa quy định những hành vi như: Không giảng bài, bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng, dọa nạt học sinh,… là bạo lực học đường.

Vậy để bảo vệ các em khỏi những hành vi như vậy, chúng ta cần làm gì?

- Đầu tiên, Luật Giáo dục cần chặt chẽ trong việc quy định những hành vi như thế nào gọi là bạo lực học đường và các hình thức xử phạt.

Thứ hai, cần dạy cho trẻ kĩ năng đối phó với những tình huống bất ngờ, ứng phó với những tình huống có bạo lực và kĩ năng pháp lý cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

Chúng ta cần chỉ ra sự chưa đúng ở cả các thầy cô và học trò thì mới tạo ra được sự bình đẳng trong giáo dục. Học sinh phải hiểu rằng mình cũng có quyền được nói, được thể hiện ý kiến. Không nên để cho các em nghĩ rằng, cách tốt nhất của sự đối phó sẽ là né tránh, chịu đựng âm thầm.

Tại sao trẻ em lại thường sợ không dám lên tiếng khi mình gặp phải những tình huống có bạo lực?

- Hiện nay, cha mẹ và thầy cô vẫn luôn sử dụng quyền lực của mình để phủ định ý kiến của đứa trẻ, cho dù ý kiến ấy là đúng. Chính vì vậy, bản thân cha mẹ cần được đào tạo kỹ năng làm cha mẹ. Họ cần thay đổi và biết chấp nhận những ý tưởng của con cũng như những lời nói của đứa trẻ và không sử dụng các quyền lực của mình để phủ định ý kiến đó.

Môi trường giáo dục đang bị ô nhiễm từ chính những người được gọi là thầy cô. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

- Đây chỉ là những "con sâu bỏ rầu nồi canh", còn trên thực tế thì vẫn còn rất nhiều các thầy cô nhân ái và thương học trò. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những trường hợp cá biệt như hai cô giáo trên càng ngày càng nhiều, và đây có thể là hệ quả của sự căng thẳng với những áp lực của cuộc sống. Nhưng không thể vì thế mà biện minh cho những hành vi sai trái, thiếu đạo đức.

Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn