MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sim rác được bán tràn lan trong các hội nhóm hay trên livestream. Ảnh chụp màn hình

Sau 9 tháng chuẩn hóa thuê bao, sim rác vẫn hoành hành

KHÁNH AN LDO | 19/12/2023 12:13

Một trong những mục tiêu khi Việt Nam thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao là nhằm góp phần hạn chế sim rác quấy nhiễu người dân. Thế nhưng đến nay, sau 9 tháng triển khai cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhà mạng, người dân... sim rác vẫn tràn lan trên thị trường.

Muôn kiểu rao bán sim rác

Điện thoại anh Trần Hoàng Vinh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) rung lên khi đang trong giờ nghỉ trưa. Bắt máy, anh nghe thấy đầu dây bên kia nói liến thoắng về các dự án bất động sản tại quận Nam Từ Liêm. Chỉ đến khi anh Vinh cáu gắt, cắt ngang lời và nói không có nhu cầu vì đã mua được nhà, đối tượng này mới cúp máy.

Anh Vinh cho biết, đây không phải lần đầu anh nhận được các cuộc gọi có nội dung như vậy. Thời điểm trước, trung bình mỗi ngày anh nhận được từ 5-6 cuộc gọi/ngày mời chào mua chung cư. Đến nay, cuộc gọi rác đã giảm đi đáng kể, song vẫn làm phiền anh hàng tuần.

“Như tôi được biết, các thuê bao hiện nay đều đã chuẩn hóa, việc mua sim bây giờ cũng đều phải thông qua các nhà mạng - không mua được ở đại lý như trước đây, vậy tại sao các cuộc gọi rác, sim rác vẫn tồn tại” - anh Vinh thắc mắc.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại, việc bán sim tại các đại lý đã được siết chặt, hầu hết đã từ chối bán sim kích hoạt sẵn. Duy chỉ có một vài nơi, khi người dân gặng hỏi mua, chủ cửa hàng vẫn bán sim “chui”.

Trái ngược với hình ảnh tại các đại lý, “không khí” bán sim kích hoạt sẵn trên các chợ mạng lại vô cùng sôi động. Khi truy cập vào các nhóm kín bán sim trên mạng xã hội, các tài khoản vẫn rao bán sim kích hoạt sẵn với số lượng lớn.

“Mình có sẵn sim Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Vinaphone đã kích hoạt. Giá từ 45.000 - 85.000 đồng. Hàng có sẵn, nhận giao toàn quốc với số lượng lớn” - tài khoản Nguyễn Trí đăng bài quảng cáo lên mạng xã hội.

Không chỉ hoạt động trong các nhóm kín, nhiều đối tượng còn công khai livestream bán sim trên các nền tảng. Trong quá trình livestream, các đối tượng liên tục nhấn mạnh rằng “sim mua về chỉ cần lắp vào máy là dùng được”. Những sim này thường có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng, tùy vào độ đẹp của sim.

Loạt biện pháp ngăn chặn sim rác

Vào giữa tháng 3.2023, các nhà mạng đồng loạt triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ngày 1.4, khoảng 1,5 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin và bị khóa một chiều. Ngày 15.4, khoảng 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều. Và đến ngày 15.5, các doanh nghiệp đã thu hồi về kho số hơn 985.000 sim. Đây được coi là những nỗ lực để giảm thiểu sim rác, sim bị sử dụng cho mục đích xấu.

Ngoài ra, hồi tháng 9.2023, Bộ TTTT cho biết, các nhà mạng trên toàn quốc đã cam kết ngừng bán sim di động tại đại lý, điểm bán. Động thái này phản ánh nỗ lực của Bộ TTTT cùng các nhà mạng nhằm hạn chế tình trạng sim không chính chủ tràn lan trên thị trường.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 12 của Bộ TTTT, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, việc loại bỏ sim rác cần sự chung tay của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng.

“Thời gian qua đã đề ra rất nhiều giải pháp, thế nhưng đến nay, vẫn còn tình trạng các cuộc gọi không mong muốn, các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo” - ông Nhã cho hay.

Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, một tín hiệu tích cực hiện nay là việc phát triển các thuê bao mới đã tiếp tục giảm, do các nhà mạng chủ động không phát triển thuê bao trên các đại lý của mình. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, phát triển thuê bao tháng 9.2023 là 1,4 triệu thuê bao, sang tháng 10.2023 giảm xuống còn 1,23 triệu thuê bao.

Ông Nhã cho hay, trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục cùng các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. Đến tháng 10.2023, những giấy tờ có trên 10 sim đều đã thực hiện chuẩn hóa, trùng khớp dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Cục Viễn thông sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi sim đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh. Đây là chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo bộ để thực hiện việc giảm thiểu sim rác” - ông Nhã nói.

Về kế hoạch trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - ông Nguyễn Phong Nhã - cho biết, sẽ tiếp tục triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách liên quan đến Luật Viễn thông sửa đổi. Khi đó, sẽ có thêm các giải pháp mới để thực hiện quản lý thông tin thuê bao, xử lý tình trạng sim rác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn