MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phá rừng trên đỉnh Pha Đin. Ảnh: Văn Thành Chương

Sau gần 2 tháng, vì sao chưa kết luận vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin?

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 11/09/2021 16:48

Sau khi Báo Lao Động có loạt bài về “vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin”, UBND tỉnh Điện Biên đã giao các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh. Thế nhưng sau gần 2 tháng vẫn chưa đưa ra được kết luận!

Từ ngày 14-19.7, Báo Lao Động đã có loạt bài về “vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin” thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Theo đó, trong 2 ngày 12-13.7, phóng viên đã ghi nhận tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin tình trạng tự ý khai thác rừng thông đang diễn ra nhộn nhịp trước sự "bất lực" của chính quyền và lực lượng kiểm lâm.

Ngay sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và báo cáo UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc với chính quyền huyện Tuần Giáo ngay sau đó, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm - cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ rừng cao nhất của tỉnh Điện Biên - cũng khẳng định "vụ phá rừng có dấu hiệu hình sự".

Thế nhưng, đã gần 2 tháng trôi qua, vẫn chưa có một bản báo cáo chính thức được đưa ra và UBND tỉnh cũng chưa có kết luận.

Trao đổi với phóng viên về việc chậm trễ này, ông Trần Văn Thượng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Điện Biên cho rằng: "Nếu đủ điều kiện khởi tố vụ án hình sự thì sẽ đề nghị khởi tố, do vậy phải thận trọng trong việc xác định đối tượng và nguồn gốc rừng vì vụ việc có liên quan đến nhiều người".

Nhiều hécta rừng bị phá trong nhiều ngày trước sự bất lực của chính quyền.

Ông Thượng cũng khẳng định, theo Quyết định số 1208/QÐ-UBND, ngày 21.12.2018 của UBND tỉnh Điện Biên (Quyết định 1208) về việc phê duyệt Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì toàn bộ diện tích rừng bị người dân và doanh nghiệp khai thác là rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, người dân lại cho rằng, đó là rừng sản xuất và thực tế “bìa đỏ” của họ vẫn là rừng sản xuất.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - nơi xảy ra vụ phá rừng - cho rằng: "Theo Quyết định 1208 thì đó là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, mới chỉ là “Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch” mà diện tích này chưa được chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ.

"Do chưa có đề án chuyển đổi và phương án bồi thường cho người dân nên UBND huyện cũng chưa có cơ chế để thu hồi sổ đỏ hoặc chỉnh lý theo quy hoạch" - ông Đức chia sẻ.

Được biết, mặc dù Sở NNPTNN được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ nhưng đến thời điểm hiện tại (10.9), Sở NNPTNN vẫn chưa có buổi làm việc chính thức nào với UBND huyện Tuần Giáo về vấn đề này.

Bản chất của vụ phá rừng như Lao Động phản ánh là nghiêm trọng vì có tổ chức có quy mô và sử dụng phương tiện cơ giới hiện đại. Dù đó là rừng sản xuất hay rừng phòng hộ thì nguồn gốc vẫn là rừng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được pháp luật quy định cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn