MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xã Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu. Ảnh: Văn Thành Chương

Sau gần 70 năm, Mường Phăng vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 20/04/2023 11:09

Sau gần 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay xã Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn xã Mường Phăng làm căn cứ cách mạng, đặt làm Sở Chỉ huy Chiến dịch. Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào ngày 7.5.1954.

Thế nhưng, từ đó đến nay đã gần 70 năm, nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng vẫn từng ngày mong đợi xã được công nhận là xã An toàn khu. Bởi vì điều đó có ý nghĩa rất quan trọng liên quan trực tiếp đến những chính sách tri ân của Đảng, Nhà nước dành cho nhân dân vùng căn cứ kháng chiến. Ngoài ra, đó còn là phần thưởng, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng.

Khi được công nhận xã An toàn khu, người dân trong xã sẽ được hỗ trợ bảo hiểm y tế và nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước như: Hỗ trợ xây dựng, tu sửa bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng và các thiết chế văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây. 

Người dân xã Mường Phăng bán hàng phục vụ khách du lịch. Ảnh: Văn Thành Chương

Trước đó, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và thực thi đồng bộ các chính sách nhằm tri ân người dân sống trong các xã An toàn khu, ngày 24.3.2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đây là chính sách nhằm nâng mức sống về mọi mặt của vùng An toàn khu bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước và của từng địa phương. Ngoài ra còn góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu, an toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Tuy nhiên, đến nay xã Mường Phăng vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu. Trong khi đó, nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng của Điện Biên được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. Ảnh: Văn Thành Chương

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lò Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ cho biết, trước đây khi xã Mường Phăng còn thuộc huyện Điện Biên thì việc lập hồ sơ công nhận xã An toàn khu cũng đã được xúc tiến. Tuy nhiên, ngày 1.1.2020 xã Mường Phăng sáp nhập về TP  Điện Biên Phủ nên việc lập hồ sơ dừng lại.

"Hiện nay, xã Mường Phăng đã có tờ trình đề nghị UBND TP Điện Biên Phủ bổ sung kinh phí thực hiện đề án lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận xã An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Mường Phăng và đang chờ duyệt kinh phí" – ông Hợp nói.

Theo đó, đề án có tổng mức đầu tư là hơn 663 triệu đồng, trong đó: Chi phí khảo sát lập dự toán là hơn 3 triệu đồng; chi phí xây dựng “Hồ sơ khoa học Công nhận xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ là xã An toàn khu thuộc tỉnh Điện Biên thời kỳ kháng chiến chống Pháp” là hơn 466 triệu đồng và chi phí hành chính là hơn 190 triệu đồng.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng của Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Được biết, ngày 27.3.2023, TP Điện Biên Phủ đã có thông báo đồng ý chủ trương lập hồ sơ khoa học Công nhận xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ là xã an toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, giao UBND TP Điện Biên Phủ phối hợp tiếp nhận hồ sơ, thủ tục trước đây do UBND huyện Điện Biên đã triển khai để hoàn thiện.

Theo ông Lò Văn Hợp - Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, nếu việc phê duyệt kinh phí sớm được thực hiện thì xã Mường Phăng có thể được công nhận là xã An toàn khu trước dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.2024).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn