MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng thực hiện phân loại rác tại nguồn từ sớm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện toàn thành phố. Ảnh: TT

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường: Đà Nẵng mới đạt 7/10 tiêu chí

Thuỳ Trang LDO | 23/08/2022 06:58

Người dân ngại đặt thùng rác trước nhà nên nhiều con đường tại Đà Nẵng vẫn đang chịu cảnh túi rác lớn nhỏ để từ vỉa hè xuống lòng đường. Bãi rác thành phố đã quá hạn sử dụng từ nhiều năm nay, rác chất thành núi bốc mùi ô nhiễm. Tiếp đến mặc dù là thành phố môi trường hơn 10 năm nay nhưng tỉ lệ cây xanh tại Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng do quy hoạch...

Rác bỏ ngoài đường, bãi rác chất thành núi...

Sau hơn 10 năm thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã đạt 7/10 tiêu chí đề ra, được các bộ ngành đánh giá cao và đang tiếp tục thực hiện đề án giai đoạn 2. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề thu gom, xử lý rác thải đô thị tại Đà Nẵng còn nhiều bất cập.

Đơn cử như việc nhiều con đường tại Đà Nẵng hiện không được bố trí thùng rác hợp lý, thay vì phân bổ để người dân dễ bỏ rác thì lại tập trung một điểm. Vì vậy, người dân đến cuối ngày đành bỏ từng túi rác lớn nhỏ ở vỉa hè để nhân viên vệ sinh đến thu gom. Trong khi đó, bãi rác Khánh Sơn, nơi tập trung rác của thành phố được xây dựng từ năm 2007 đã hết hạn sử dụng từ nhiều năm nay nhưng vẫn phải “cơi nới” thêm vì các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn của các đơn vị vẫn chưa thể triển khai.

“Đi qua Khánh Sơn bây giờ, ai cũng có thể nhìn thấy rác chất cao thành núi, bốc mùi ngay bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Chúng tôi nhiều lần nghe thành phố hứa xây dựng nhà máy xử lý rác từ năm 2019 đến nay nhưng vẫn chưa thấy đâu” - ông Nguyễn Hưng, người dân quận Liên Chiểu cho hay.

Ngoài vấn đề rác thải, Đà Nẵng nhiều năm qua cũng đối diện với câu hỏi về tỉ lệ cây xanh đô thị. Dù là đô thị loại 1 nhưng đến nay, Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng cây xanh. Cả thành phố chỉ có 2 công viên đặt ở 2 quận là Hải Châu và Thanh Khê, không thể phục vụ đủ cho hơn 1 triệu dân. Chưa kể, tại những dự án đô thị, khu quy hoạch mới hiện nay, đất dành cho cây xanh rất hạn chế chứ chưa nói đến công viên.

Qua thống kê, năm 2010, diện tích cây xanh đô thị của Đà Nẵng chỉ đạt hơn 5m2/người. Năm 2015, con số này là 7,32m2/người. Năm 2019, Đà Nẵng có hơn 1,134 triệu dân nhưng chỉ số cây xanh chỉ ở mức 7,51m2/người. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị là 8,9 m2/người.

Chạy đua đến đô thị sinh thái: Quá nhiều việc!

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.Đà Nẵng - cho biết, năm 2021, thành phố tiếp tục xây dựng đề án thành phố môi trường giai đoạn 2 với những tiêu chí rất cao như đặt ra tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt quy chuẩn đến năm 2025 phải là 95% và đến 2027 là 97%; tỉ lệ chất thải nguy hại phải được thu gom đúng quy định đạt 100%, tỉ lệ hộ dân phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 đạt 90%...

Đà Nẵng sẽ tiếp cận đến khái niệm thành phố môi trường, đô thị sinh thái, đáng sống. Tuy nhiên, để đạt được những chỉ tiêu đó, Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm.

Với bãi rác Khánh Sơn, ông Hùng nêu thực tế, hiện nay công nghệ xử lý rác đến là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên đến nay phương pháp không còn phù hợp vì đô thị phát triển không còn quỹ đất, bên cạnh đó, trong quá trình xử lý dù đặt ra rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật nhưng không thể nào đảm bảo môi trường, việc phát tán mùi là vấn đề Khánh Sơn đang đối diện.

Trong khi đó, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn theo hình thức PPP đang triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Dự án nhà máy công suất 650 tấn do Công ty CP Môi trường Việt Nam thì theo cam kết nhà đầu tư sẽ triển khai vào quý IV/2022 và vận hành cuối năm 2024.

Trong thời gian chờ đợi các dự án thì Đà Nẵng buộc phải nâng cấp bãi rác Khánh Sơn, nói cách khác là cơi nới thêm hộc chôn lấp rác.

Về thực trạng người dân bỏ rác không đúng nơi quy định, ông Hùng cho rằng, một phần là do ý thức người dân, phần khác là năng lực thu gom của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được. Trong thời gian tới, sở sẽ yêu cầu các đơn vị phải có nhiều phương pháp như giờ thu gom với từng nhóm hộ dân, nhà hàng, khách sạn…

Về cây xanh đô thị Đà Nẵng so với tiêu chí đô thị loại 1 là thiếu trầm trọng. Trong đề án xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt được tiêu chí ít nhất 9m2/người về tỉ lệ cây xanh công cộng. Để làm được điều này thì quy hoạch phải đảm bảo được phần đất cho công viên cây xanh, khuyến cáo các nhà đầu tư dành tỉ lệ cây xanh ở khu đô thị. Ý thức người dân, doanh nghiệp cần được nâng cao hơn.

Ngoài ra, vấn đề lựa chọn loại cây, cách trồng cũng phải được chú trọng để tránh mùa bão thì lượng cây xanh giảm xuống.

“Có thể nói, Đà Nẵng còn rất nhiều việc từ thu gom, vận chuyển, xử lý rác và phải là giải pháp hoàn thiện, bền vững hơn với mục tiêu thành phố môi trường, đô thị sinh thái. Sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam. Đây là cơ hội để thành phố có cái nhìn tổng thể từ quy trình giải pháp tổng thể để hoàn thiện quy trình thu gom đến xử lý đạt được những tiêu chí của đề án” - ông Hùng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn