MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sầu riêng ở Đắk Lắk bất ngờ rụng trái non, nông dân lỗ nặng

BẢO TRUNG LDO | 30/05/2023 14:30

Đắk Lắk - Nhiều gốc sầu riêng trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bất ngờ rụng trái non, chưa chín, khiến người nông dân đứng ngồi không yên vì đã mất nhiều tiền bạc đầu tư, công chăm sóc. 

Ông Phạm Uy Liêm (thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) - chia sẻ: "Gia đình tôi có khoảng 2ha sầu riêng, cho thu hoạch khoảng 130 gốc. Nhưng những ngày qua, những gốc sầu riêng trong vườn nhà lại bất ngờ rụng quả với số lượng từ 60% đến 100%. Đa phần những gốc sầu riêng rụng 100% số lượng quả chủ yếu là những cây đã 4 năm tuổi.

Thời tiết trong những ngày qua tại địa phương thất thường, ban ngày thì rất nóng, ban đêm thì lạnh hoặc xảy ra mưa thất thường, cộng thêm kỹ thuật chăm sóc cây của tôi chưa có kinh nghiệm nên dẫn đến sầu riêng tự rụng trái la liệt. Cây tự rụng trái nhiều thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chưa biết lỗ bao nhiêu. Tôi đã bỏ công, tiền bạc phân bón chăm sóc cây cả chục triệu đồng rồi".

Sầu riêng còn non rụng quả khắp các vườn trên địa bàn huyện Cư Kuin. Ảnh: Bảo Trung

Với tâm trạng chán nản, ông Phạm Đình Chiến  (thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) buồn rầu nói: "Vườn nhà tôi có 50 gốc sầu riêng, đang tính thu hoạch năm đầu tiên, nhưng đã rụng hết 50% số quả. Do tôi thấy sầu riêng lợi nhuận cao nên cũng chuyển đổi, trồng theo mọi người trong vùng, nhưng bây giờ bị rụng quả nhiều thế này thì rất buồn, chưa biết lỗ bao nhiêu".

Trái non rụng sớm khiến nông dân như ngồi trên đống lửa. Ảnh: Bảo Trung

So với các vườn khác trên địa bàn, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn 8, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cũng có nhiều gốc sầu riêng rụng trái nhưng số lượng ít hơn. Trước tình hình trên, ông Tuấn đã khắc phục bằng cách phun thuốc, phân bón, xử lý đất, tỉa bông, trái non để giữ vững các gốc sầu riêng nhằm tránh lỗ.

 Trái sầu riêng rụng sớm phần do thời tiết và còn vì người dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng. Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng Trạm khuyến nông huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) - xác nhận: "Địa bàn huyện có khoảng 850ha diện tích đất trồng sầu riêng. Thời gian gần đây, cây sầu riêng bắt đầu ra hoa, kết quả thì không may vướng phải sự cực đoan của thời tiết. Ban ngày thì quá nóng, ban đêm lạnh, biên độ nhiệt quá lớn dẫn đến việc sầu riêng bị sốc nhiệt, rụng quả ở một số vườn, gây thiệt hại cho bà con nông dân.

Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, cách bổ sung dinh dưỡng cho cây sầu riêng của bà con trong các thời điểm khác nhau chưa đúng nên có sự cạnh tranh giữa rễ, lá, quả và dẫn đến sự cố nói trên. Khi trồng sầu riêng, nông dân cần đảm bảo về mặt sinh tồn của cây trước rồi sau đó mới phát triển sinh sản. Chúng tôi đã mở nhiều đợt tập huấn cho bà con nông dân nhưng có một số người chưa nắm được nên để cây rụng trái nhiều.

Người dân cần nắm vững kỹ thuật rồi mới phát triển trồng sầu riêng. Ảnh: Bảo Trung

Ông Minh nói thêm: "Cây sầu riêng vốn có giá trị kinh tế cao nhưng khó chăm sóc, bảo vệ, kỹ thuật trồng cao. Theo tôi, việc chuyển đổi cây trồng là quyền của bà con nhưng khi triển khai người dân phải nắm nền tảng cơ bản, kỹ thuật thì mới tăng gia sản xuất. Nếu làm một cách vội vàng, không nắm vững kiến thức cơ bản, kỹ thuật thì rất dễ lỗ vốn khi trồng loại nông sản này".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn