MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Chí Tâm

Sau vụ bé gái bị bạo hành: Nghiêm túc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em

ANH THƯ LDO | 12/01/2022 17:24

Chiều 12.1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến "Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022".

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân.

Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.

Bộ đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh MD

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030... Chủ động, tích cực hướng dẫn, phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề, vụ việc về bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, dù đã có những thay đổi căn bản, song vấn đề xác minh người có công vẫn còn tồn tại. Bộ cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng để giải quyết tốt vấn đề này. Bên cạnh đó, cần chăm sóc, hỗ trợ thương bệnh binh nặng, thân nhân của người có công, đặc biệt có hỗ trợ lâu dài, kể cả đào tạo việc làm với những đối tượng này

Về lĩnh vực giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với nhiều bộ ngành khác để thực hiện đồng bộ giữa các chương trình xóa đói, giảm nghèo.

“Liên quan đến nhóm trợ giúp xã hội, hôm trước chúng ta đã họp và có nghị quyết rất dài hơn. Bên cạnh hệ thống bảo hiểm, cần có hệ thống trợ giúp xã hội, huy động được xã hội tham gia vào lĩnh vực này nhiều hơn” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thị trường lao động khó khăn và đang từng bước khắc phục. Song, ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến việc đưa lao động đi nước ngoài khó khăn. 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng chính sách để quản lý chặt chẽ hơn việc tuyên truyền về việc chọn lựa nơi đưa lao động sang học tập, làm việc để đảm bảo cho cả hai bên. 

"Trước dịch, chúng ta đã ký được một loạt thị trường tốt. Tới đây, chúng ta phải chuẩn bị để khi dịch bệnh được kiểm soát ở các nước sẽ đẩy mạnh. Còn những nước có nhiều rủi ro khi người lao động sang làm việc thì nên có kế hoạch rất thận trọng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về đào tạo nghề, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới đây cần xem lại toàn bộ quy hoạch đầu mối, sắp xếp lại.

Phó Thủ tướng cho hay, về bảo vệ trẻ em, hầu như thời gian nào cũng có sự việc. "Chúng ta đã thông qua luật, có chương trình giám sát. Nắm ngoái trong hội nghị tổng kết này chúng ta cũng đã nhắc đến mạng lưới bảo vệ trẻ em. Năm vừa qua, tất nhiên là cá biệt có sự việc rất nhức nhối, cháu bé bị bạo hành đến tử vong"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em rất cần thiết. Các tỉnh thành phải nghiêm túc hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã.

"Năm nay việc này càng quan trọng vì dịch COVID-19 khiến các cháu nhỏ không đến trường. Điều này ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu. Học sinh không đến trường dài ngày nếu không có biện pháp kết hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng sang chấn tâm lý" - Phó Thủ tướng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn