MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh tổng thể cống Cái Lớn. Ảnh: Ban 10 - Bộ NNPTNT cung cấp

Sẽ dẫn nước ngọt từ Kiên Giang về Cà Mau để quy hoạch lại sản xuất

NHẬT HỒ LDO | 22/06/2020 16:59
Cà Mau là tỉnh duy nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có nguồn nước ngọt. Đã vậy, cách đây nhiều năm, tỉnh này quy hoạch đến trên 60.000ha đất trồng lúa. Thiếu nước ngọt là căn bệnh trầm kha của Cà Mau và tỉnh này đề nghị dẫn nước ngọt từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé về Cà Mau để quy hoạch lại sản xuất.

Dẫn nước ngọt về Cà Mau

Làm việc tại Cà Mau ngày 21.6, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2 sẽ chuyển nước ngọt đến với tỉnh Cà Mau. Đặc biệt ưu tiên cho vùng Bắc Cà Mau.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, để làm được điều này, cần phải có sự điều chỉnh, tính toán chuyển nước từ sông Cái Bé về tỉnh Cà Mau. Vấn đề này, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục cùng với các nhà khoa học nghiên cứu bằng những giải pháp công trình cụ thể hơn. 

Cà Mau thường xuyên bị sạt lở vào mùa khô. Ảnh: Nhật Hồ

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng điều quan trọng nhất là cần phải có quy hoạch sản xuất. Do đó, Bộ NNPTNT sẽ cùng với địa phương xây dựng quy hoạch sản xuất hướng tới hiệu quả bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, phù hợp với quy hoạch sản xuất tổng thể khu vực ĐBSCL.

Thiếu nước, vào mùa khô khiến hàng loạt đường giao thông tại Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Nhật Hồ

Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Vì vậy, thường xảy ra tình trạng thừa nước ngọt trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.

Theo tính toán của Chi cục Thủy lợi Cà Mau, chỉ tính riêng nhu cầu nước ngọt cho trồng lúa của các tiểu vùng Bắc Cà Mau tháng 1 khoảng 56,93 triệu m3, tháng 2 khoảng  57,03 triệu m3. Ngoài ra, ở vùng Nam Cà Mau cũng cần nước ngọt để pha loãng độ mặn cho nuôi tôm nước lợ vào tháng 3 và tháng 5. Trong khi lượng nước ngọt tại chỗ chỉ có nước mưa, được giữ lại nhờ hệ thống công trình khép kín ở Bắc Cà Mau với lượng rất khiêm tốn so với nhu cầu sản xuất nơi đây. Vì vậy, cần có giải pháp đưa nước ngọt từ nơi khác về Cà Mau.

Người dân sẽ hưởng lợi lớn

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, Cà Mau đang rất cần nước ngọt cho cả vùng ngọt hóa lẫn vùng chuyển đổi sản xuất. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ NNPTNT đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2 theo một trong 3 phương án: Lấy trục Kênh Chắc Băng – Sông Trẹm – Sông Đốc làm ranh mặn ngọt; phía Bắc sẽ là vùng sản xuất lúa 2 vụ; phía Nam vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp sản xuất chuyên lúa, vùng Trần Văn Thời ven Sông Đốc – Rạch Ráng (tiểu vùng II, III – Nam Cà Mau) sản xuất lúa - tôm.

Hoặc lấy trục kênh Chắc Băng – Sông Trẹm – Sông Đốc làm ranh công trình điều tiết nước; chấp nhận cho chuyển đổi một số vị trí đã chuyển đổi và một phần của huyện Trần Văn Thời, tức là một phần diện tích chuyển đổi từ chuyên lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm; phía Bắc giữ nguyên sản xuất như hiện nay; giữ nguyên sản xuất chuyên lúa tiểu vùng III – Bắc Cà Mau nhưng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện nguồn nước theo hướng sản xuất một vụ lúa, một vụ màu.

Phương án 3 được đề xuất giống phương án 2 nhưng điều chỉnh sản xuất tiểu vùng III - Bắc Cà Mau sang một vụ lúa, một vụ tôm lấy trục Minh Hà làm phân ranh mặn ngọt.

Sạt lở bờ biển Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Sử nhấn mạnh: “Cà Mau sẽ tính toán tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh cây trồng, vật nuôi phù hợp với nguồn nước. Hiện tại, vấn đề quy hoạch đang có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng mục tiêu chính hướng tới vẫn là đảm bảo hiệu quả bền vững”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn