MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh thành Huế nhìn từ không ảnh. Ảnh: TƯ LIỆU

Sẽ giải quyết có lợi nhất cho dân

Hoàng Văn Minh LDO | 29/04/2019 07:00
Ông Phan Thanh Hải - tân Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) cố đô Huế - nói “Thừa Thiên - Huế đã giải phóng 44 năm nhưng vẫn còn món nợ lịch sử rất lớn, đó là hơn 4.200 hộ dân sống ngay trong vùng lõi di sản, cuộc sống của đại đa số hộ dân rất khó khăn”. Và việc địa phương này quyết tâm di dời 4.200 hộ dân ra khỏi Kinh thành, chính là để trả món nợ cho lịch sử.

Sống lay lắt trong Kinh thành

Nhà chị Đặng Thị Mão ở 8/76 Ông Ích Khiêm (phường Thuận Thành, thành phố Huế) nằm trên khu vực Thượng Thành của Kinh thành Huế trông rất tạm bợ và dột nát, bốn bề trát tạm bằng những tấm tôn cũ, trong nhà gần như chẳng có tài sản gì đáng giá, nhìn u ám và buồn thảm. Muốn lên nhà bà Mão không còn cách nào khác phải trèo lên một cái thang gỗ rung rinh như răng rụng. Nhưng vừa bước vào nhà, tôi đã bịt mũi lùi lại bởi mùi hôi bốc lên từ nước sinh hoạt của cả xóm quyện vào nước mưa chảy tràn xuống đường vì không có cống thoát nước. Đã thế, nhà vệ sinh (một cái hố lát gạch) đặt khá lộ thiên ngay bên hông nhà.

Bà Mão cho biết cả mấy trăm hộ dân sống trên khu vực Thượng Thành này đều đi vệ sinh như vậy vì tình cảnh đất chật người đông. Cả gia đình chị Mão có 11 thành viên đều sống chen chúc trong căn nhà rộng chưa tới 30m2 suốt bao nhiêu năm nay. “Mùa nắng còn đỡ, chứ mưa bão thì trên dột dưới gió lùa, nhiều đêm ứa nước mắt thức trắng”. Hỏi sao không sửa chữa nâng cấp nhà? Bà Mão bảo “đang sống trong khu vực I di tích, chính quyền cấm sửa chữa xây dựng, nếu vẫn làm sẽ không được đền bù khi giải tỏa nên bao năm nay cứ để vậy chui vô chui ra qua ngày chờ di dời”.

Gia đình bà Mão chỉ là một trong số 4.200 hộ dân đang sinh sống ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và những vùng đất thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế, như: Hộ Thành Hào, Phòng lộ Kinh Thành, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Trấn Bình Đài… Đa phần họ là những lao động nghèo, chủ yếu sinh sống bằng nghề lao động tay chân như đạp xích lô, bán vé số, hàng rong... Vì nhiều lý do, chủ yếu là do cái nghèo nên họ đành chấp nhận định cư trong cảnh tạm bợ ở khu vực di tích này từ 50-70 năm nay. Đáng nói là cuộc sống của người dân khổ mười thì chính quyền cũng khổ… tám chín.

Ông Phan Thanh Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế - cho biết: Áp lực của các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích là giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mỹ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt làm môi trường bị ô nhiễm nặng. Trong khu vực Kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp gần 1/5, số còn lại (trừ các hồ trong khu vực Đại Nội) đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải sinh hoạt của người dân gây nên tình trạng mất mỹ quan khu vực trầm trọng.

Kinh thành Huế nhìn từ không ảnh. Ảnh: TƯ LIỆU

Sẽ giải quyết có lợi nhất cho dân

Trước những tình trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao Trung tâm BTDT Cố đô Huế cùng các sở ngành chức năng, địa phương liên quan xúc tiến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế, thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế. Thật ra thì chủ trương này đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế đề ra từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, mãi cho đến cuối năm 2018, Thừa Thiên - Huế mới nhận được cơ chế đặc thù để di dời dân khỏi khu vực 1 di tích, trong đó ngân sách trung ương sẽ rót khoảng 2.800 tỉ đồng cho bồi thường, hỗ trợ di dời và giải phóng mặt bằng. Phía Thừa Thiên - Huế sẽ lo đầu tư xây dựng khu tái định cư, với kinh phí khoảng 1.360 tỉ từ ngân sách địa phương.

Theo ông Phan Thanh Hải, đây là một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng và bảo tồn Kinh thành Huế. Bởi nếu toàn bộ 4.200 hộ dân chuyển đi, với gần 15.000 người, thì khu di tích Kinh thành Huế thật sự được trả lại tính nguyên vẹn, không chỉ làm khang trang bộ mặt đô thị mà còn giải phóng một nguồn tài sản văn hóa cực lớn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, vì thế mục tiêu của đề án là trả lại không gian cho Kinh thành Huế. “Bây giờ, chúng ta giải tỏa chừng ấy hộ dân mà làm được thì tôi cho rằng hết sức vĩ đại” - ông Hải nói.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ trực tiếp làm tổ trưởng công tác giải phóng mặt bằng, phần được cho là gian nan nhất. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, đơn vị trực tiếp thực hiện điều tra hiện trạng và xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư, cho biết có rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong hơn 4.200 hộ dân này, nhưng thành phố sẽ giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, tỉnh sẽ bố trí cho mỗi hộ dân một mảnh đất, cùng với kinh phí, để người khó nhất cũng phải có nhà ở.     

Rồi đây, chắc chắn Huế sẽ khác bởi chính quyền địa phương quyết tâm lần này phải trả cho được “món nợ lịch sử” bằng một "cuộc di dân lịch sử". Nhưng đây là việc không hề đơn giản, trùng trùng khó khăn chồng chất bởi ngoài nơi ở mới cho hơn 4.200 hộ dân, chính quyền còn phải tính đến việc làm, nghề nghiệp… hiện gần như là những con số 0 tròn trĩnh với người dân. Mà nếu giải quyết không khéo, không căn cơ, không bền vững thì rất dễ trả được "nợ cũ" cho lịch sử nhưng lại mắc thêm "nợ mới" với hàng ngàn hộ dân…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn