MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TP Điện Biên Phủ thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở chế biến dong riềng sau phản ánh của Lao Động. Ảnh: PV

Sẽ kiểm tra vi phạm tại các cơ sở chế biến dong riềng tại TP Điện Biên Phủ

NHÓM PV LDO | 14/11/2023 06:57

Điện Biên - UBND TP Điện Biên Phủ thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở chế biến dong riềng gây ô nhiễm sau phản ánh của Báo Lao Động.

Sáng 13.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lò Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ cho biết, đã nhận được Quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn và Mường Phăng.

Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ do Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của các thành viên gồm: Cán bộ chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Lực lượng công an và các phòng ban liên quan.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động chế biến tinh bột dong riềng trên địa bàn thành phố; tham mưu đề xuất phương án, giải pháp xử lý và báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định.

Sông Nậm Rốm chuyển màu đen kịt và bốc mùi nồng nặc. Ảnh: PV

"Tuy nhiên, về thời gian tiến hành kiểm tra thì chưa có quyết định cụ thể nên hiện tại chúng tôi vẫn thực hiện theo chỉ đạo của thành phố tại văn bản số 2655 ngày 1.11 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng trên địa bàn" - Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết thêm.

Cụ thể, tại văn bản này, UBND TP Điện Biên Phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến dong riềng. Kịp thời phát hiện để ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Trường hợp vượt thẩm quyền, UBND cấp xã hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo UBND các xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật nếu để các cơ sở chế biến dong riềng gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn quản lý.

Hàng nghìn mét khối nước thải từ các cơ sở chế biến dong riềng xả ra sông Nậm Rốm mỗi ngày. Ảnh: PV

Trước câu hỏi của phóng viên về việc đêm 12.11, người dân vẫn ghi nhận một số cơ sở công khai hoạt động và tiếp tục xả thải ra sông Nậm Rốm, ông Lò Văn Toản cho biết: "Việc xử lý các cơ sở này hiện tại là vượt thẩm quyền của UBND xã nên chúng tôi chỉ lập biên bản ghi nhận hiện trạng để báo cáo UBND thành phố xử lý".

Trước đó, như Lao Động phản ánh, gần chục cơ sở chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu, Nà Nhạn (TP Điện Biên Phủ) vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm khi đã bị yêu cầu tạm dừng vì chưa đảm bảo yêu cầu về xử lý nước thải theo quy định.

Khi thấy sự có mặt của người lạ, một số cơ sở dập cầu dao điện và dừng hoạt động. Có cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp văn bản chỉ đạo của UBND TP Điện Biên Phủ.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Nà Tấu - nơi có gần chục cơ sở chế biến dong riềng - cho biết: "Khi đoàn cán bộ xã đi kiểm tra theo chỉ đạo và yêu cầu dừng hoạt động, có chủ cơ sở còn có hành vi thách thức. Do vậy chính quyền xã cũng gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát".

Hậu quả của các hoạt động vi phạm quy định, coi thường pháp luật này là hàng chục kilomet phía đầu nguồn sông Nậm Rốm bị ô nhiễm nghiêm trọng, chuyển màu đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân và du khách vô cùng bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn