MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của nhiều người lao động. Ảnh minh hoạ: Lê Hoa

Sẽ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất

ANH THƯ LDO | 19/03/2020 06:46
Để triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17.3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Được biết, ngày 4.3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12.2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. 

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động (NLĐ). Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 16 Nghị định số 11/2015/NĐ-CP và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6.2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6.2020 mà dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị, thì kịp thời phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12.2020.

Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra, nếu DN không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng, BHXH các địa phương đôn đốc DN đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và BH thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6.2020), BHXH các địa phương kịp thời thông báo và đôn đốc DN đóng đầy đủ các quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.

Chính sách thiết thực

Được biết, Bộ LĐTBXH cũng đã đề nghị các đơn vị trong phạm vi quản lý, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 - nếu đủ điều kiện thì thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng theo quy định. Trong thời gian xảy ra dịch cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố hết dịch, định kỳ hằng tháng, BHXH Việt Nam tổng hợp, gửi báo cáo kết quả giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các DN gặp khó khăn do dịch COVID-19 về Bộ LĐTBXH.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn, đặc biệt DN về gia công, chế biến và ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ liên quan... Do đó, chính sách hỗ trợ DN giãn nợ, chậm đóng BHXH rất cần thiết. Đây là chính sách hết sức nhân văn với người lao động (NLĐ) và DN trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Các DN được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách này cần xác định rõ và làm sao đúng đối tượng và thực trạng của DN.

Theo ông Trung, qua theo dõi, nhiều DN đã tìm những biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ NLĐ. Nhiều đơn vị có sự chia sẻ giữa NLĐ và người sử dụng lao động. “Tuy nhiên, tôi cho rằng cần thêm gói chính sách có nguồn lực để hỗ trợ cho các DN. Không chỉ tạm dừng đóng BHXH, phải hỗ trợ thêm cho DN trong bối cảnh DN phải ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Chính sách hỗ trợ sẽ giảm bớt khó khăn cho NLĐ như hỗ trợ một phần tiền lương, đóng BHXH cho NLĐ, hỗ trợ một phần khó khăn cho DN... Như vậy, gói hỗ trợ này thực sự thiết thực để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, NLĐ có việc làm, ổn định cuộc sống. Tất cả chính sách hỗ trợ này phải được quản lý chặt chẽ, hiệu quả” - ông Trung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn