MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng hóa phục vụ người tiêu dùng được các siêu thị siết chặt chất lượng. Ảnh: Ngọc Lê

Siết chặt chất lượng hàng hóa vào các siêu thị ở TPHCM

NGỌC LÊ LDO | 25/03/2024 10:09

Hiện hàng kém chất lượng vẫn “lọt lưới” để vào TPHCM thông qua các hệ thống phân phối. Do đó, phía cơ quan chức năng đã bắt tay với các nhà bán lẻ hỗ trợ nhau để kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.

Siêu thị “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn

Đối với nhóm ngành thực phẩm, vệ sinh an toàn và tươi ngon là 2 yếu tố lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Do đó, đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, sạch, có nguồn gốc… là các tiêu chí để thu hút người tiêu dùng được các nhà bán lẻ triển khai.

Theo Sở Công Thương TPHCM, 7 hệ thống thương mại Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Central Retail, AEon Mall, Bách Hóa Xanh và Wincommerce chiếm khoảng 60-70% mảng bán lẻ hiện đại, cung ứng lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng TPHCM. Các nhà bán lẻ này đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Là ông lớn trong ngành bán lẻ, phía đại diện Saigon Co.op nhận định, việc các nhà bán lẻ cùng chung tay siết chất lượng trái cây, rau củ, thịt... là việc làm cần thiết để cải thiện năng lực nhà cung cấp và cả đơn vị bán lẻ.

“Đây là nỗ lực của ngành Công Thương và các doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng bộ để các đơn vị cùng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng chung, bảo đảm độ đồng nhất cho hàng hóa cung ứng vào hệ thống phân phối. Việc triển khai cần có quá trình nhưng chúng tôi sẽ tính toán để sớm thúc đẩy, hướng tới việc sẽ ký kết với toàn bộ nhà cung cấp” - ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Central Retail - cho biết, việc các doanh nghiệp cùng chung tay phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa được siết chặt là sự khích lệ đối với những nhà cung cấp làm ăn minh bạch, nghiêm túc.

Tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp

Thống kê từ Sở Công Thương TPHCM cho thấy, hàng Việt hiện chiếm 90-95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh...

Tại một số hệ thống siêu thị của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, Mega Market... là 80-90%. Còn tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỉ lệ hàng Việt Nam từ 80% trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động thương mại hàng Việt trên thị trường vẫn đối diện nhiều thách thức như vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng…

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, việc kiểm soát an toàn thực phẩm mới dừng lại ở lấy mẫu, xây dựng những chuỗi cung ứng nhưng hàng hóa vi phạm vẫn còn trên thị trường, chất lượng hàng hóa không bằng hàng xuất khẩu. Kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối nhằm tạo sân chơi chung để các siêu thị bắt tay nhau nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Hàng hóa sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối. Sản phẩm cam kết về chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được tất cả hệ thống phân phối đánh giá lại, có nguy cơ đánh mất hoàn toàn thị trường.

Đồng thời, giúp giảm chi phí so với kiểm nghiệm riêng lẻ, chấm dứt tâm lý hạ chất lượng hàng hóa để giảm giá cả. Chuỗi cung ứng bền vững sẽ tạo "đòn bẩy" duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt cả trong và ngoài nước...

Để tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, phía Sở Công Thương TPHCM cũng đã làm việc, khảo sát trực tiếp tại các nhà vườn tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa thực phẩm như rau, củ, quả… an toàn cho người tiêu dùng TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn