MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn ngày 14.9 do học viên tập lái xe gây ra tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Anh: G.T

Siết lại quy trình đào tạo lái xe sau loạt vụ tai nạn nghiêm trọng

Minh Hạnh LDO | 19/09/2022 06:00

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do các học viên lái xe gây ra. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại việc cho học viên ra đường mặc dù đã có giáo viên trợ lái bên cạnh.

Liên tiếp các vụ tai nạn do xe tập lái

Vào khoảng 14h35 ngày 15.9.2022, xe ôtô biển số 28C-062.35 (loại xe tập lái) do Bùi Văn Điệp (36 tuổi, ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) điều khiển, khi đến km449+200 trên đường Hồ Chí Minh (thuộc thôn Thạch Quyền, xã Cao Dương) xảy ra va chạm khiến một người điều khiển xe máy điện tử vong.

Trước đó, vào khoảng 13h30, vụ tai nạn xảy ra với xe tải tập lái (có dán logo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đại Lợi, Đắk Nông) cũng khiến một nạn nhân đi xe máy tử vong. 

Mới đây, vào lúc 13h ngày 14.9, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang cũng xảy ra một vụ tai nạn do xe tập lái gây ra, suýt cướp đi mạng sống của 2 cháu học sinh đang trên đường tới trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết, để xác định được trách nhiệm của những người liên quan trong các vụ việc trên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xe tập lái đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay chưa, học viên đã thực hành đủ số buổi trên sân tập trước khi lái xe ra đường, giáo viên có hay không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc... Theo quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người tập lái xe ôtô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái”. Như vậy, trách nhiệm thuộc cả giáo viên trợ lái và học viên. 

Cần siết chặt quy trình đào tạo

Theo Vụ Phương tiện và người lái  - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên, có thâm niên giấy phép lái xe theo quy định, được tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành và thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ.

Các trung tâm được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe.

Ghi nhận thực tế trên nhiều tuyến đường nội đô và quốc lộ, nhiều ôtô gắn chữ tập lái với người cầm vô lăng chưa có bằng lái điều khiển khiến nhiều người không khỏi bất an. Khi tay lái của những học viên còn chưa vững chắc, khả năng xử lý tình huống còn chưa chắc chắn thì không nên chủ quan khi điều khiển phương tiện, bởi hậu quả ngay trước mắt có thể là các vụ tai nạn thương tâm…

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Văn Toản - Chủ tịch Hội đồng thành viên trường lái xe Đông Đô - cho rằng, trong quá trình đào tạo lái xe bắt buộc phải cho học viên đi ngoài đường để làm quen.

Việc gần đây xảy ra một số vụ TNGT liên quan đến xe tập lái, đây là xác xuất nhỏ so với số vụ TNGT trong ngày. Tuy nhiên, việc xảy ra TNGT như vậy cũng là cảnh báo đối với công tác đào tạo lái xe ôtô, cụ thể là chất lượng đào tạo (giáo viên, cơ sở vật chất và phương tiện... và cả học viên), nhưng chưa đến mức độ phải thay đổi quy định.

Cũng theo ông Toản, học viên trước khi được đi xe ra đường đã phải học lý thuyết, số nóng, số nguội, tập đi sa hình trong sân bãi rất bài bản trong thời gian nhất định.

“Hiện các quy định về đào tạo lái xe ôtô đã rất đầy đủ, các nhà trường cần siết lại quy trình đào tạo theo đúng quy định” - ông Toản cho hay.

* Các chuyên gia giao thông cho hay, mỗi học viên phải đảm bảo thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường đạt tối thiểu từ 70 - 80% so với yêu cầu đặt ra là đủ điều kiện dự sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

Đồng thời xem xét loại bỏ việc giám sát thời gian học lý thuyết đối với học viên. Trên thực tế cũng đã có không ít các vụ việc tương tự xảy ra. Đáng chú ý, tình trạng giáo viên dạy lái xe để cho học viên tự tập không phải là hiếm gặp. Nhiều trường hợp, phương tiện tập lái còn di chuyển trên các khu vực đông dân cư, trên các tuyến đường mà không có trong giáo trình được quy định.

* Hiện cả nước có 343 cơ sở đào tạo lái xe với khoảng trên 19.700 giáo viên. Trong đó có 141 Trung tâm sát hạch lái xe ôtô, gồm 51 Trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F) và 90 Trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C). Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn