MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Hiệp sĩ" chở người đi cấp cứu miễn phí có thể dừng chạy vì không đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Đình Trọng

Siết quy định ưu tiên, xe cấp cứu cá nhân có thể dừng chạy

ĐÌNH TRỌNG LDO | 03/09/2024 11:15

Tỉnh Bình Dương đang siết chặt quy định cấp giấy phép còi ưu tiên xe cứu thương, vì vậy những xe cấp cứu miễn phí không đáp ứng yêu cầu có thể dừng chạy.

Rà soát toàn tỉnh việc cấp còi ưu tiên xe cứu thương

Những năm gần đây, xảy ra việc một số đối tượng lợi dụng việc chạy xe cứu thương để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Để quản lý và kiểm soát chặt chẽ xe cứu thương ở Bình Dương, hiện ngành y tế đang rà soát lại các phương tiện. Trong khi đó, ngành công an cũng kiểm soát chặt việc cấp giấy phép còi ưu tiên cho các xe cứu thương.

Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, quy định mới đang siết lại để quản lý tốt hơn các xe chở người bị thương được gắn còi ưu tiên. Hiện nay, sở đang rà soát lại việc này trên toàn tỉnh.

Quản lý chặt hơn xe cứu thương. Ảnh: Đình Trọng

Sở Y tế Bình Dương cho biết vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn báo cáo danh sách phương tiện còn đủ điều kiện sử dụng phương tiện phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

Bên cạnh đó, chủ động liên hệ với Phòng CSGT Công an Bình Dương để thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp lại. Hoặc tháo dỡ, thu hồi của xe được quyền ưu tiên đối với các xe ưu tiên bị hư hỏng cũ nát hết hạn sử dụng; chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc thanh lý, giấy phép sử dụng phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên hết thời hạn sử dụng.

Theo Sở Y tế Bình Dương, việc này nhằm đảm bảo 100% xe cứu thương phải được dán thẻ ETC, đồng thời phải khai báo xe ưu tiên.

Kiểm soát chặt hơn điều kiện xe cứu thương. Ảnh: Anh Tuấn

Xe cứu thương của cá nhân có thể dừng hoạt động

Ghi nhận của phóng viên, Bình Dương là tỉnh có số vụ nạn giao thông cao. Về đêm, có nhiều trường hợp người dân lưu thông, người lao động tan ca bị tai nạn ở trên đường. Thấy người bị thương nằm chờ, một số cá nhân đã tự nguyện sử dụng xe gia đình chở đi cấp cứu. Trong đó, điển hình là anh Lê Anh Tuấn (sinh năm 1997, ngụ Bình Dương), việc làm của anh Tuấn diễn ra thường xuyên, đều đặn trong 6 năm qua.

Trước quy định mới về cấp giấy phép còi ưu tiên cho xe cứu thương, những ngày gần đây, Tuấn đang lo lắng sắp tới sẽ phải dừng chạy xe chở miễn phí người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện cấp cứu.

Nói về nguyên nhân Tuấn chia sẻ: "Trước đây, tôi mua lại xe ôtô cấp cứu của 1 đơn vị có đầy đủ điều kiện theo quy định để chạy xe chở người bị thương. Nhưng nay, quy định cần giấy tờ kinh doanh của đơn vị vận chuyển cấp cứu mới có thể làm hồ sơ xin lại giấy phép sử dụng còi ưu tiên, cấp thẻ ETC. Tôi là một cá nhân, lại không đủ điều kiện hồ sơ".

Từ lúc dịch bệnh tới nay, anh Tuấn đã chở hàng trăm người đi cấp cứu miễn phí. Ảnh: Đình Trọng

"Không được sử dụng còi ưu tiên và thẻ ETC ở làn tự động, xe của tôi khó có thể đảm bảo an toàn khi lưu thông chở người bị thương", anh Tuấn ngậm ngùi chia sẻ.

Mong muốn tiếp tục được giúp sức để cứu người

Anh Tuấn cho biết, từ năm 2018 đến nay đã hỗ trợ chở khoảng 1.000 trường hợp gặp tai bạn, bệnh, sự cố... bị thương đến bệnh viện cấp cứu. Hoạt động này xuất phát từ tâm của chàng trai trẻ muốn giúp ích cho đời, mong người bị nạn đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất và được bác sĩ chữa trị kịp thời. Mọi chi phí Tuấn bỏ tiền túi ra, không kêu gọi và không nhận bất kỳ sự quyên góp, hỗ trợ nào khác. Số điện thoại của Tuấn đã trở nên quen thuộc với người dân ở Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Anh Tuấn mong muốn tiếp tục góp sức cứu người. Ảnh: Đình Trọng

"Tôi thấy quy định mới cũng tốt. Tôi thì vẫn mong muốn tiếp tục được chung tay giúp người bị nạn. Sắp tới tôi mong được gia nhập với Hội chữ thập đỏ hoặc Đoàn thanh niên ở địa phương để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ cấp phép còi ưu tiên. Qua đó, quá trình hoạt động của tôi cũng sẽ được sự giám sát của các cơ quan, đơn vị để có kết quả chung tốt hơn" - anh Tuấn bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn