MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GTVT đề xuất không cấp lại phù hiệu, biển hiệu ôtô vi phạm tốc độ 5 lần/tháng trong thời gian 30 đến 60 ngày. Ảnh: Hải Danh

Siết việc cấp, thu hồi phù hiệu xe kinh doanh vận tải vượt quá tốc độ là cần thiết

Hải Danh LDO | 21/10/2023 14:53

Hiện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải về ôtô trong đó điểm đáng chú ý và được nhiều người quan tâm là đề xuất siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Đề xuất quy định rõ thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải

Theo Bộ GTVT, Nghị định 10/2020 có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Do đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Điều 22, theo hướng bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký xử phạt, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 - 60 ngày (tùy trường hợp thu hồi) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu.

Các trường hợp quá thời hạn trên đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tải, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không nộp, Sở GTVT cập nhật vào Chương trình Quản lý kiểm định để cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm bị xử lý thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Cần có thêm các biện pháp xử phạt nghiêm

Trước đề xuất này, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - cho rằng, việc giới hạn thời gian cấp lại phù hiệu với các phương tiện vi phạm là cần thiết bởi thông tin từ Bộ GTVT cho thấy, qua công tác theo dõi, quản lý, 9 tháng năm 2023, Sở GTVT các địa phương đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 22.875 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên.

Riêng tại TPHCM, Sở GTVT đã thu hồi 6.236 phù hiệu các xe vi phạm tốc độ, trong đó hãng xe Thành Bưởi có 246 trường hợp vi phạm tốc độ bị rút phù hiệu.

Từ vụ việc này cho thấy nhiều bất cập, phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc tới các yếu tố về kinh tế và xã hội.

“Đề xuất tước phù hiệu từ 30-60 ngày của một số phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ 5 lần/tháng thay vì nay thu mai trả như hiện tại là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu, cân nhắc giữa vấn đề xử phạt và tạo điều kiện giáo dục góp phần thúc đẩy kinh tế. Bởi nếu chúng ta tước phù hiệu của phương tiện thời gian dài trong bối cảnh số xe của doanh nghiệp hạn chế hoặc có nhiều phương tiện bị tước phù hiệu dẫn đến tình trạng thiếu hụt phương tiện chuyên chở. Do đó, cần cân đối những điểm chưa được để giải quyết sao cho hài hòa và hợp lý nhất” - TS Khương Kim Tạo nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, thay vì quá tập trung vào giới hạn thời gian tước phù hiệu, cần có thêm các biện pháp xử phạt mạnh mẽ hơn nữa với tài xế và doanh nghiệp vận tải bởi “những chiếc xe không có lỗi, lỗi là ở cá nhân và đơn vị quản lý”.

“Theo tôi, ngoài việc tăng thời gian giam giữ phù hiệu, đối với lái xe vi phạm, có thể ban hành mức xử phạt cao nhất là tịch thu hoặc hủy giấy phép lái xe. Như vậy, nếu muốn có giấy phép lái xe, tài xế phải tu dưỡng lại đạo đức cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phải tham gia thi lại để lấy giấy phép lái xe mới” - nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia nêu quan điểm và cho rằng, cần có thêm chế tài xử lý nhằm nâng cao thái độ, trách nhiệm trong tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn