MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống ngăn triều Tân Thuận đạt 93% khối lượng. Ảnh: Minh Quân

Siêu dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TPHCM chờ rót vốn để thi công lại

MINH QUÂN LDO | 10/11/2023 21:31

TPHCM - Dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng của TPHCM đã đạt hơn 90% khối lượng nhưng phải ngừng thi công gần 3 năm qua vì vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo gỡ vướng để dự án sớm về đích.

Trễ hẹn năm thứ 5

Ngày 10.11, có mặt tại công trình cống kiểm soát triều Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều của dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét tới biến đổi khí hậu", nơi đây im ắng do tạm dừng thi công nhiều năm.

Các hạng mục chính của cống Tân Thuận như cửa van, âu thuyền, máy bơm công suất lớn… đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, khu vực gia cố thượng hạ lưu cống, thảm đá lòng sông, khu nhà quản lí và khu cảnh quan vẫn chưa được hoàn thành. Cống được đánh giá có vị trí rất quan trọng, khi trực tiếp điều tiết nguồn nước sông Sài Gòn đổ vào cửa ngõ Quận 7 của thành phố.

Anh Huỳnh Hữu Hùng, một người dân sống gần cầu Tân Thuận (Quận 7) cho biết đường Trần Xuân Soạn cứ triều lên là ngập nặng. “Nghe nói dự án hoàn thành thì tuyến đường này không còn ngập nữa... dân mừng lắm. Vậy mà công trình tạm ngưng gần 3 năm qua, không biết còn kéo dài bao lâu nữa", anh Hùng nói.

Đường Trần Xuân Soạn hóa thành sông mỗi khi triều cường dâng cao. Ảnh: Chân Phúc

Tại cống kiểm soát triều Bến Nghé nối Quận 1 và Quận 4 đã hoàn thành 97% khối lượng. Đây là cống có thiết kế khác biệt so với hệ thống cống ngăn triều khác của dự án như được lắp cửa van nặng 434 tấn, hình vòng cung chìm 40m. Điều này được cho là để hài hòa với không gian đô thị xung quanh.

Công trình đã tạm ngừng trong nhiều năm khiến trạm điều hành, trạm bơm và một số hạng mục phụ trợ cống vẫn còn dang dở. Điều đáng nói, cống kiểm soát triều này chiếm dụng toàn bộ chiều ngang rạch Bến Nghé nên không ghe thuyền nào qua lại được trong giai đoạn thi công.

Cống ngăn triều Bến Nghé. Ảnh: Anh Tú

4 cống ngăn triều còn lại của dự án đã gần hoàn thiện cũng phải tạm ngưng nhiều năm qua, gồm: Mương Chuối (khối lượng hoàn thành 93%); Cây Khô (86%), Phú Định (88%) và Phú Xuân (90%). Bên cạnh đó là các hạng mục tuyến đê kè (85%), cầu Kinh Bà Bướm (92%), Nhà quản lí trung tâm (85%)…

Dự án ngăn triều nói trên do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình đi qua Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160 m. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh dài 7,8 km.

Khởi công giữa năm 2016, công trình dự kiến hoàn thành dịp 30.4.2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, sau lần tạm dừng hồi tháng 2.2018, cuối năm 2020 dự án tiếp tục ngưng do vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo gỡ vướng

Hiện dự án cần khoảng 1.800 tỉ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.

Trước đó, Chính phủ quyết định thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng nhằm tìm cách gỡ vướng để dự án sớm về đích. Tổ công tác đã đưa ra 3 cách gỡ vướng dự án, trong đó ủy thác ngân sách để nhà đầu tư vay và thi công hoàn thành công trình được cho khả thi nhất.

Công ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) có quy mô lớn nhất trong 6 cống ngăn triều. Ảnh: Minh Quân

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án. Về vướng mắc pháp lí, UBND TPHCM cần nghiên cứu 2 phương án. Phương án 1, áp dụng Điều 2 của Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ để chủ động giải quyết, nếu vẫn còn vướng mắc thì báo cáo rõ, cụ thể vướng ở điểm nào và đề xuất giải pháp.

Phương án 2, báo cáo Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều khoản chuyển tiếp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính nghiên cứu quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Về vướng mắc nguồn vốn, UBND TPHCM báo cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có chủ trương giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ để tiếp tục thực hiện dự án, vì việc này thuộc thẩm quyền của TPHCM.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, với tình hình hiện nay, việc thanh toán cho nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách và là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành công trình. Với khối lượng công việc còn lại, sau khi được giải ngân và thi công trở lại, dự án cần khoảng 6 tháng để hoàn thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn