MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống ngăn triều Mương Chuối dài hơn 200m với 4 cửa van ngăn triều nặng từ 230 - 320 tấn đã được lắp. Ảnh: Minh Quân

Siêu dự án ngăn triều TPHCM đội vốn gần 3.700 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 17/07/2023 19:09

TPHCM – Siêu dự án ngăn triều trễ hẹn 4 năm so với kế hoạch khiến tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng tăng lên 13.693 tỉ đồng.

Hoàn thành 93% rồi “trùm mền”

Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM), thành phố còn 7 tuyến đường bị ngập do triều cường, gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình.

Tình trạng ngập ở các tuyến này chỉ được xử lý căn cơ khi dự án “Giải quyết ngập triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1” hoàn thành.

Đường Trần Xuân Soạn là một trong tổng 7 tuyến đường bị ngập do triều cường chưa được giải quyết. Ảnh: Minh Quân

Dự án trên khởi công năm 2016, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Công trình đi qua quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160 m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8 km.

Cống Mương Chuối có quy mô lớn nhất trong số 6 cống ngăn triều của dự án, hiện đạt 93% khối lượng. Ảnh: Minh Quân

Công trình dự kiến hoàn thành tháng 4.2018 nhưng những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần.

Dự án hiện đạt khoảng 93% khối lượng, tạm dừng thi công từ cuối năm 2020 do thời điểm đó UBND TPHCM chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6.2020).

Đội vốn gần 3.700 tỉ đồng

Ngày 31.1.2023, UBND TPHCM đã ký kết phụ lục hợp đồng và biên bản thỏa thuận với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Sau đó, Ngân hàng BIDV có văn bản đề nghị UBND TPHCM tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc để ngân hàng này có cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (phụ lục hợp đồng tín dụng là cơ sở để ngân hàng nhà nước tái cấp vốn).

Để có cơ sở tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, Ngân hàng BIDV, UBND TPHCM đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TPHCM thanh toán trước cho hợp đồng BT bằng 3 quỹ đất sạch căn cứ trên khối lượng công trình hoàn thành được Kiểm toán Nhà nước xác nhận trước đây, đảm bảo theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng BT đã ký kết. Việc này nhằm giảm lãi vay phát sinh và áp lực thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng BIDV.

3 khu đất gồm: khu đất tại Lô C8A - Khu A – Đô thị mới Nam Thành phố rộng 5.500 m2 (Quận 7); khu đất tại 762 Bình Quới rộng 4.298 m2 (quận Bình Thạnh) và khu đất 232 Đỗ Xuân Hợp rộng hơn 17.500 m2 (Thành phố Thủ Đức).

Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 4 và 7) nằm trên Kênh Tẻ hoàn thành 93% khối lượng. Ảnh: Minh Quân

Theo báo cáo của nhà đầu tư hồi tháng 3.2023, tổng mức đầu tư hiện nay của dự án khoảng 13.693 tỉ đồng - tăng gần 3.700 tỉ đồng do phát sinh lãi trong thời gian xây dựng và lãi trong thời gian chậm thanh toán.

Theo UBND TPHCM, dự án đang trong quá trình thực hiện, phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo quy định chuyển tiếp tại Điều 104 Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021 của Chính phủ về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Do đó, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM xử lý chuyển tiếp dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021 của Chính phủ về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Trong đó trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh dự án như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh. UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Về phương thức thanh toán hợp đồng BT, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố tự cân đối quỹ đất, nguồn vốn ngân sách để thanh toán (không cố định tỉ lệ thanh toán 16% (quỹ đất)/84% (bằng tiền) như trước đây). Đối với phần lãi vay phát sinh sẽ thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư và được thanh toán bằng quỹ đất.

Tại cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm nay, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường tập trung chỉ đạo để sớm khởi động lại án.

"Chúng ta chỉ gia hạn thời gian hoàn thành dự án này đến hết năm nay, không còn thời gian nữa để lùi nên phải khẩn trương. Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung tham mưu, các sở ngành phải tham gia tích cực. Chúng ta giữ mốc đến cuối năm nay hoàn tất dự án" - ông Mãi chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn