MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh ở vùng cao Sơn La được tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới. Ảnh: Lê Hạnh

Sinh con trai để nối dõi, nhiều gia đình vùng cao Sơn La lâm vào cảnh chật vật, vất vả

Khánh Linh LDO | 09/04/2023 14:00
Việc cố gắng sinh con trai để nối dõi bất chấp hoàn cảnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mất cân bằng giới tính ở vùng cao Sơn La.

Trong căn nhà nhỏ nơi lưng chừng núi của anh Giàng A Cu (bản Gióng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên) đứa con trai út mới 2 tuổi đang chập chững chơi trước cửa nhà, mặt lấm lem bùn đất. Còn cháu Giàng Thị Sư (11 tuổi - con gái lớn) bị bại não nằm liệt trên giường.

Được biết, cậu con trai là đứa con thứ 4 của anh chị, trước cháu là 3 người chị gái, mỗi người cách nhau hơn 2 tuổi.

Khi được hỏi tại sao khi đứa con gái đầu đã đau bệnh lại còn đẻ đến người con thứ 4, A Cu trả lời: "Đẻ thêm vì muốn có con trai. Ở đây nhà nào cũng vậy, người Mông không có con trai thì bị coi không có trụ cột". 

Còn với chị Sồng Thị Ly (bản Suối Gióng, xã Quang Huy) - người phụ nữ 24 tuổi với một nách 2 đứa con và nuôi thêm một người em chồng, cuộc sống đã vất vả lại còn chật vật hơn. 

 Việc bắt buộc phải có con trai để nối dõi đã dẫn đến việc chênh lệch giới tính khi sinh ở Sơn La. Ảnh: Khánh Linh

Chị Ly tâm sự: "Ở đây phụ nữ lấy chồng rất sớm, chỉ có một số ít người đi làm xa hoặc xuống huyện đi học thì mới lấy muộn hơn một chút thôi". 

Theo chị Ly, việc sinh con trai gần như là nghĩa vụ của những người phụ nữ dân tộc Mông. Phong tục từ bao đời, nếu không có con trai thì không được thờ cúng bố mẹ khi mất nên không thể không theo.

Trò chuyện với PV, ông Giàng A Phua, Trưởng bản Suối Gióng cho biết: "Không có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống chỉ dựa vào mấy mảnh nương khô cằn trồng ít sắn và lúa nương. Tranh thủ lúc nông nhàn, hai vợ chồng đi xuống khu vực trung tâm xã, ai thuê gì thì làm nấy, mỗi ngày công được 120.000 - 150.000 đồng thì mới có tiền mua thịt, cá và mua đồ dùng trong gia đình. 

Việc sinh con trai để nối dõi là chuyện mà những người phụ nữ dân tộc Mông ở Sơn La bắt buộc phải làm. Ảnh: Khánh Linh

Dù biết rằng sinh nhiều con sẽ vất vả, nhưng việc phải có con trai để nối dõi tông đường, gánh vác việc gia đình đã in sâu vào nếp sống của đồng bào Mông ở vùng cao Sơn La rồi chứ không riêng gì Suối Gióng". 

Theo ông Phua, qua nhiều đợt tuyên truyền của cán bộ dân số, người dân cũng đã bắt đầu ý thức được việc sinh đẻ có kế hoạch. Tuy nhiên, để thay đổi hoàn toàn được nhận thức của người dân cũng cần rất nhiều thời gian. 

Số liệu năm 2022 của Chi cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, tỉ số giới tính khi sinh là 116,4 bé trai/100 bé gái, giảm 5,8 điểm % so với năm 2021.

Đại diện Chi cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La cho biết: "Mất cân bằng giới tính đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Những năm gần đây, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa tỉ số giới tính khi sinh trên địa bàn về mức cân bằng tự nhiên". 

Dù được tuyên truyền thường xuyên, nhưng việc cố gắng sinh con trai để nối dõi nơi vùng cao vẫn thường xuyên diễn ra. Ảnh: Khánh Linh

Những năm qua, những người làm công tác dân số ở tỉnh Sơn La đã nỗ lực hết mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con. Dù đã có tín hiệu tích cực, song vẫn còn đó những khó khăn trong việc cân bằng giới tính khi sinh ở vùng cao bởi những quan niệm đã ăn sâu vào trong tiềm thức. 

Một trong những giải pháp đang được triển khai hiệu quả cho việc cân bằng tỉ số giới tính là tiếp tục hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.

Cùng với đó, trong năm 2022, Sơn La đã tiếp tục duy trì sinh hoạt câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu tại 34 trường THPT trên địa bàn 12 huyện, thành phố với 30 buổi sinh hoạt cho 650 lượt người tham dự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn