MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên cần làm gì để theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo?

Ái Vân LDO | 30/05/2023 10:04

Trí tuệ nhân tạo ngày càng mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, đồng thời đòi hỏi sinh viên trang bị những kỹ năng và tố chất cần thiết.

Cơ hội việc làm hấp dẫn ngành trí tuệ nhân tạo

Những năm gần đây, xã hội dần quen với thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Đây là lĩnh vực mới phát triển dựa trên nền tảng tin học, được dự báo sẽ tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống tương lai. 

Ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thăng Long - nhận định cơ hội nghề nghiệp của ngành AI rất lớn, trải rộng trên nhiều phạm vi và lĩnh vực. 

Cử nhân ngành AI có khả năng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Chuyên gia phân tích dữ liệu và hỗ trợ quyết định kinh doanh thông minh; Lập trình viên học máy/trí tuệ nhân tạo; Kỹ sư dữ liệu, khoa học dữ liệu; Chuyên viên quản lý dự án; Giảng viên, nghiên cứu viên về AI và khoa học dữ liệu; Người khởi nghiệp công nghệ có năng lực tự lập nghiệp với những ý tưởng sáng tạo về AI và khoa học dữ liệu.

Sinh viên Đại học Thăng Long trong giờ học chuyên ngành AI. Ảnh: Ái Vân

Theo ông Kim, chương trình đào tạo AI tại Đại học Thăng Long kết hợp giữa chương trình AI và khoa học dữ liệu của các trường Đại học hàng đầu thế giới như Carnegie Mellon University và National University of Singapore.

Đội ngũ giảng viên gồm những chuyên gia phát triển làm việc tại phòng thí nghiệm AI, trực tiếp xây dựng các phần mềm AI. Điều này đảm bảo kiến thức và kỹ năng được giảng dạy đều có tính ứng dụng thực tiễn cao, được cập nhật liên tục. 

Bên cạnh các kiến thức nền tảng về toán, lập trình, giải thuật, phát triển phần mềm, sinh viên chuyên ngành AI tại Đại học Thăng Long còn được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng AI và khoa học dữ liệu hiện đại. 

Bao gồm các công nghệ mà thị trường trong nước và nước ngoài đang “khát” nhân lực như: Học máy (Machine Learning), Học sâu (Deep Learning), Kỹ nghệ dữ liệu (Data Engineering), Khai phá dữ liệu (Data mining), Trực quan hóa dữ liệu (Data Visualization), Dữ liệu lớn (Big Data), Thị giác máy tính (Computer Vision) và Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing).

Ông Trương Ngọc Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thăng Long. Ảnh: Ái Vân

Mọi kiến thức đều được quy thành các chuẩn đầu ra về ứng dụng được thiết kế tăng tiến theo từng năm. Mỗi năm, sinh viên đều phải đảm bảo có khả năng xây dựng được các hệ thống/ứng dụng ở mức độ nâng cao dần.

“Theo tôi, sinh viên cần 3 tố chất quan trọng để học tốt ngành AI, gồm: tư duy logic tốt, khả năng ngoại ngữ và quan trọng nhất, là đam mê cùng nhiệt huyết”, ông Kim nhấn mạnh. 

Tố chất và kỹ năng để theo đuổi AI

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), người sáng lập dự án Chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) nhận định AI mở ra nhiều cơ hội mới trong các ngành nghề, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) nhận định AI mở ra nhiều cơ hội mới trong các ngành nghề, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) nhận định AI mở ra nhiều cơ hội mới trong các ngành nghề, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Ảnh: Ái Vân

Tại Việt Nam, ngành AI đã bắt đầu phát triển những năm gần đây, đặc biệt trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, tài chính và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến, Việt Nam vẫn tụt hậu. 

Ông Hiếu dự báo xu hướng phát triển AI ở nước ta trong tương lai sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chính gồm: giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính và an ninh mạng. 

“Cơ hội nghề nghiệp ngành AI đang mở rộng. Các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước đang tìm kiếm nhân tài với kỹ năng về AI, học máy, và khoa học dữ liệu. Đồng thời, nhu cầu đào tạo về AI cũng ngày càng tăng cao, tạo ra cơ hội cho những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu”, ông Hiếu cho hay.

Để theo đuổi lĩnh vực AI, chuyên gia khuyên sinh viên cần phát triển và rèn luyện một số tố chất và kỹ năng như: lập trình, toán học, thống kê, phân tích dữ liệu, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, giao tiếp tốt và thường xuyên theo dõi, cập nhật các xu hướng công nghệ mới để không bị tụt hậu so với thị trường lao động quốc tế. 

“Cuối cùng, đừng ngại hỏi, học hỏi và thử thách bản thân trong các dự án, vấn đề khó khăn. Điều này giúp sinh viên rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và nâng cao lòng tự tin trong lĩnh vực AI”, ông Hiếu nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn