MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên “gồng mình” vượt qua những ngày thủ đô giãn cách

Minh Hương LDO | 11/09/2021 20:19
Nỗi lo tiền học phí đầu năm, tiền thuê phòng trọ, sinh hoạt phí luôn canh cánh với những sinh viên tỉnh lẻ đến thủ đô học tập. Dịp hè là thời điểm "vàng" để sinh viên có thể đi làm thêm kiếm tiền, nhưng từ khi thành phố giãn cách, không chỉ bị mất công việc làm thêm, họ còn bị "mắc kẹt" tại nơi trọ. 

Và có những sinh viên may mắn hơn, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, họ vẫn có công việc làm thêm ổn định, tự mình "bươn chải" những ngày đại dịch.

Mất việc làm thêm vì dịch

Lê Thị Huyền (20 tuổi, quê Thanh Hóa) - sinh viên năm cuối, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời gian chưa giãn cách, cô đi làm thêm tại một cửa hàng kinh doanh cà phê để tự lo khoản sinh hoạt phí. Thế nhưng, gần 2 tháng nay, chỗ làm của Huyền đóng cửa theo chỉ thị của thành phố, từ đó cô mất khoản thu nhập từ công việc đi làm thêm.

Từ khi giãn cách bị mất việc làm thêm, Huyền dành thời gian học tiếng Trung, đọc sách mỗi ngày. 

Không được đi làm, không thể về quê trong khi ở lại phòng trọ vẫn phải gánh những khoản tiền nhà, chi phí tiêu dùng hàng ngày, Huyền sống nhờ tiền bố mẹ chu cấp.

“Dịp hè năm nay, tôi ở lại Hà Nội với mong muốn đi làm thêm kiếm thêm chút thu nhập, nhưng không ngờ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội, mọi kế hoạch đều đổ bể" - Huyền nói.

Theo Huyền, thời gian đầu giãn cách, mọi khoản chi tiêu cũng không quá khó khăn. Nhưng đến nay đã gần 2 tháng ở lại phòng trọ, nhiều hôm trong túi không còn đồng nào, cô phải vay tạm bạn để mua mì tôm ăn qua ngày.

“Trải qua những đợt giãn cách, sinh viên như chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Không có giấy đi đường, bị mắc kẹt ở phòng trọ, hiện tôi chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để được đi làm kiếm thêm chút tiền phụ giúp bố mẹ. Ở đây mọi chi tiêu đều rất đắt đỏ, nếu chỉ phụ thuộc vào tiền bố mẹ gửi thì không đủ sống" - Huyền tâm sự.

Học cách tự lập và quan tâm bản thân nhiều hơn

Còn anh Trương Đăng Quang (quê ở Thái Bình) - sinh viên Trường Đại học FPT Aptech (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thổ lộ, từ cuối tháng 4 khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, anh ở lại Hà Nội để nghe ngóng tình hình, anh cũng lo ngại có thể "mang bệnh về nhà" rồi ảnh hưởng đến sức khỏe người thân. 

Ngoài thời gian làm việc online, anh Quang tìm tòi học thêm các kỹ năng mềm trong thời gian giãn cách. 

Trong căn phòng trọ rộng chừng 15m2, hàng ngày, anh chỉ quanh quẩn với chiếc laptop và vài cuốn sách. Anh cho biết, không thể tin có ngày anh bị "cấm túc" trong bốn bức tường trong thời gian dài như vậy.

Thế nhưng, anh Quang nói bản thân mình còn may mắn hơn so với nhiều người, dù mắc kẹt lại ở Hà Nội nhưng anh vẫn thể làm thêm online. Hiện tại chi phí sinh hoạt đều do anh tự lo.

"Bố mẹ cũng hay hỏi tôi có thiếu gì không để "tiếp tế" nhưng tôi vẫn đủ sức để lo cho bản thân. Dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngưng trệ nhưng thời gian này, tôi học thêm cách sống tự lập, quan tâm tới bản thân nhiều hơn và dành nhiều thời gian để học hỏi, trau dồi nhiều kiến thức bổ ích" - anh Quang nói.

Nguyễn Thị Thu Huyền - sinh viên năm 3 trường Đại học Phenikaa (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng may mắn hơn vì còn có công việc làm thêm. Huyền hiện đang làm thêm tại một siêu thị nhỏ trên phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Chị Thu Huyền “thèm” cảm giác được đến trường như trước đây.

Huyền cho hay, đi làm những ngày dịch bệnh phức tạp, phải tiếp xúc với nhiều người nên chị luôn nâng cao việc phòng dịch. Mặc dù, lo lắng bản thân có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng Huyền vẫn cố gắng đi làm tại siêu thị trong thời gian giãn cách để có tiền chi trả sinh hoạt phí.

Công việc của chị Huyền là thu ngân. Huyền bộc bạch, buổi sáng thức dậy chỉ mong số ca nhiễm COVID-19 giảm bớt, cuộc sống sớm trở lại như bình thường, được đi học, đi làm, gặp bạn bè và người thân mà trong lòng không còn nơm nớp lo sợ.

"Tôi thực sự nhớ những ngày Hà Nội nhộn nhịp và thèm cảm giác được đến trường như trước đây" - Huyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn