MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Lương Hạnh.

Sinh viên mới ra trường: Lương bao nhiêu đủ sống?

LƯƠNG HẠNH LDO | 14/06/2022 16:29
Các bạn sinh viên đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường hoặc vừa ra trường luôn phải đối mặt với tìm việc và mức lương phù hợp để duy trì cuộc sống. 

Lương 7 - 8 triệu đồng/tháng là thấp hay cao?

Gần đây, mạng xã hội xôn xao trước chia sẻ của nữ sinh một trường đại học cho rằng mức lương khởi điểm khi mới ra trường chỉ 7 triệu đồng/tháng là không tương xứng.

Bạn Hoàng Anh Phong (SN 2000), sinh viên năm cuối Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc - Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với quan điểm của bạn nữ trên. 

Ngay từ năm nhất đại học, Phong thường đi làm thêm các công việc partime, nhận mức lương dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/giờ. Đến năm thứ 3, Phong đi thực tập, làm việc tại một công ty và được trả mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu ra trường, đối với Phong, mức lương này là thấp.

"Em và nhiều người bạn khác đã từng đi thực tập, làm việc có nhận lương ở một vài công ty. Chúng em có kinh nghiệm làm việc, biết các kĩ năng văn phòng cơ bản thì chúng em có quyền đòi hỏi mức lương cao hơn 7 triệu đồng/tháng", bạn Phong chia sẻ. 

Cũng theo nam sinh này, tân cử nhân khi đi phỏng vấn thường bị gắc "mác" sinh viên mới ra trường, sinh viên thuộc diện chờ bằng... Do đó, các nhà tuyển dụng thường dựa vào điểm này để tận dụng nhân lực, thỏa thuận mức lương thấp .

Còn bạn Đỗ Thị Hạ (SN 2000), sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng: "Với những sinh viên đã bắt đầu đi làm sớm từ năm 2, năm 3 thì lương 7-8 triệu đồng/tháng là thấp. Còn đối với sinh viên mới ra trường bập bõm, chưa có kinh nghiệm gì thì đó là mức lương cao".

Không nên đặt nặng mức lương khi vừa ra trường 

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, TS. Cao Xuân Liễu - Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Với số tiền nhà tuyển dụng trả 7 - 8 triệu đồng/tháng so với bình quân thu nhập đầu người/tháng hiện nay ở Việt Nam là tương đối cao. Sinh viên tốt nghiệp đại học sau 4 - 5 năm học thường mang tâm lý ra trường có mức thu nhập cao hơn so với số tiền mà hàng tháng họ nhận được từ gia đình để trang trải cho việc học tập. Mong muốn như vậy là chính đáng.

"Tuy nhiên, theo tôi, nếu các bạn trẻ đặt nặng vấn đề yêu cầu lương cao, tài chính nhiều hơn lên hàng đầu ngay lúc mới ra trường thì chắc chắn cơ hội việc làm sẽ không mở ra nhiều. Công ty chưa thực sự hiểu khả năng của các bạn. Lúc đó, sinh viên sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn khi vừa không tìm được việc làm, vừa không có tài chính duy trì cuộc sống", TS. Cao Xuân Liễu bày tỏ. 

TS. Cao Xuân Liễu - Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NVCC.

TS. Cao Xuân Liễu cũng dành lời khuyên cho các tân cử nhân nên chia sự phát triển nghề nghiệp theo một lộ trình nhất định. Để không bị "sốc" khi biết được thu nhập lúc mới ra trường, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào thị trường lao động, TS. Cao Xuân Liễu hy vọng sinh viên năm cuối cần lưu ý: 

"Tìm hiểu, xác định lĩnh vực đang theo học sau khi tốt nghiệp, mặt bằng lương mà các nhà tuyển dụng trả hiện tại là bao nhiêu. Xác định thu nhập, lương, thưởng sẽ tỉ lệ thuận với năng lực mà bạn có, với mức đóng góp của bản thân cho công ty. Do đó sinh viên phải "định vị" được năng lực hiện có của bản thân, tránh rơi vào thế "ảo" khi yêu cầu lương quá cao so với thực tiễn năng lực", TS. Cao Xuân Liễu cho biết.

Bên cạnh đó, sinh viên cần cố gắng nâng cao năng lực, kỹ năng, tay nghề chuyên môn được đào tạo trong các trường đại học, tránh để các công ty phải đào tạo lại. 

Xây dựng thái độ học tập, làm việc tích cực, nghiêm túc, chỉn chu và chuyên nghiệp để ra trường dễ thích ứng hơn với công việc ở công ty. Thái độ làm việc tích cực là cực kỳ quan trọng và đây là một trong những yêu cầu mà hầu hết các công ty đều mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn