MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân viêm não vừa phải thở máy và truyền máu. Ảnh: Đoàn Hưng

Số bệnh nhi viêm não tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ tại Quảng Ninh

Đoàn Hưng LDO | 22/06/2023 19:52

Quảng Ninh - Trong khoảng 1 tháng gần đây, số ca viêm não đã gia tăng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó có không ít ca nặng, thậm chí nguy kịch. Năm nay, viêm não không những xuất hiện ở trẻ nhỏ, mà còn xuất hiện khá nhiều ở các trẻ lớn.

Bệnh nhi P.T.M. sinh năm 2020, địa chỉ tại phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả nhập viện ngày 17.6 trong tình trạng lơ mơ, có cơn gồng cứng toàn thân, cổ cứng, đồng tử 2 bên giãn nhẹ, thông kí 2 bên phổi đều, thở oxy Mask, SPO2: 98%, rối loạn điện giải.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh, chuyển thở máy, an thần, lọc máu với chẩn đoán: Toan chuyển hóa/ viêm não cấp.

Hiện tình trạng bệnh nhân vẫn đang thở máy, các phản xạ của cơ thể kém.

Theo thống kê của bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, số ca viêm não từ đầu tháng 5 đến ngày 22.6 điều trị tại bệnh viện là 18 trường hợp, tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm 2022, trong đó có nhiều trẻ lớn (từ 6 -9 tuổi) cũng bị mắc bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động, Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Hoàng Tùng – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh - cho biết: “Viêm não, viêm màng não do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi trùng, ký sinh trùng… Viêm não do virus gây tổn thương não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Điển hình là viêm não Nhật Bản hoặc viêm não do các virus khác như Herpes Simplex, EBV… Viêm não thứ phát có thể do biến chứng sởi, quai bị, rubella, tay chân miệng chủng EV71”.

Tỉ lệ bệnh nhân trẻ lớn (6-9 tuổi) mắc viêm não gia tăng. Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi cung cấp

Bệnh viêm não xảy ra quanh năm, tỉ lệ di chứng cao trên 30%. Nếu nhập viện muộn, bệnh nhân thậm chí có thể tử vong. Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ bị viêm não, viêm màng não thường rất nặng nề như: bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém…

Do đó, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của con, khi trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi và có thêm dấu hiệu li bì, khó đánh thức, nôn ói, bú kém, quấy khóc, phồng thóp… cần nghĩ đến nguy cơ viêm màng não/viêm não.

Với trẻ lớn, đau họng, sốt, nôn ói, đau đầu nhiều là triệu chứng của viêm não, viêm màng não. Những trường hợp này cần được đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm, tránh nguy cơ biến chứng.

“Hiện nay, một số loại vaccine có thể phòng ngừa được viêm màng não (với tác nhân khác nhau) như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (ngừa được viêm màng não do vi khuẩn HiB); vaccine phế cầu; vaccine não mô cầu… Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh. Ngoài tiêm chủng đầy đủ, phụ huynh cũng cần tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi…” - BSCKII Tùng khuyến cáo thêm.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, từ đầu năm 2023 đến nay chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Viêm não nhật Bản B

Để phòng tránh viêm não, theo các bác sĩ, phụ huynh cần hạn chế trẻ bị muỗi đốt – do đây là véc tơ truyền virus viêm não chủ yếu từ động vật sang người. Ngoài ra, cần tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, nhất là tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch theo khuyến cáo.

Theo dự báo của các chuyên gia y tế, từ nay đến cuối năm, ngoài viêm màng não, bệnh thủy đậu cũng có thể sẽ tăng cao, phụ huynh cần cảnh giác đề phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn