MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà vườn Sóc Trăng phấn khởi khi vú sữa liên tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ảnh: Phương Anh

Sóc Trăng đưa trái vú sữa vượt ao làng xuất ngoại

PHƯƠNG ANH LDO | 08/01/2024 10:18

Trái vú sữa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc... không còn mới lạ. Thực tế tại tỉnh Tiền Giang, khi trái vú sữa Lò Rèn "đi" Mỹ vào năm 2017, chỉ chưa đầy 5 năm, đã "biến mất" ngay trên chính quê hương của nó. Ngược lại, tỉnh Sóc Trăng lại vươn lên trở thành điểm sáng trong việc đưa trái vú sữa "vượt ao làng xuất ngoại" một cách bền vững.

Liên kết tiêu thụ

Ông Nguyễn Văn Mười Hai ở xã Thới An Hội (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình trồng khoảng 4.000m2 vú sữa bơ hồng. Cách đây 3 năm khi vào mùa thu hoạch rộ, giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phi còn lời khoảng 15 triệu đồng/1.000m2.

Tuy nhiên, sau khi tham gia vào Hợp tác xã, được doanh nghiệp liên kết bao tiêu để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thì giá trị đã tăng lên gấp 2 - 3 lần.

"Hiện nay vú sữa được doanh nghiệp mua với giá cố định 55.000 đồng/kg đến cuối vụ, thêm năm nay trúng mùa ước lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/1.000m2", ông Mười Hai dự tính.

Theo ông Trần Văn Phương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2 (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) - đây là vụ thứ 3, 21ha vú sữa bơ hồng của HTX được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu với sản lượng dự kiến từ 70 - 80 tấn trái, với giá 55.000 đồng/kg kéo dài đến cuối vụ, cao hơn 7.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái và 10.000 - 15.000 đồng so với giá thị trường. Số còn lại cung cấp cho các đơn vị thu mua đưa vào cửa hàng cao cấp.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc nhà máy Kim Thanh thuộc Tập đoàn Vina T&T - thông tin, hiện đơn vị liên kết với 3 HTX và 1 Tổ hợp tác trồng vú sữa tại tỉnh Sóc Trăng. Dự kiến trong năm 2024 doanh nghiệp sẽ thu mua trên 200 tấn để xuất khẩu và tiêu thụ thị trường cao cấp trong nước.

"Mức thu mua khoảng 2 tấn trái vú sữa/ngày. Chúng tôi mong muốn gắn kết với các HTX, nhà vườn để phát triển vùng nguyên liệu" - ông Toàn cho biết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, đến nay Sóc Trăng đã xây dựng được 5 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây ăn trái với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ thị trường siêu thị trong nước và xuất khẩu.

Giữ vững thương hiệu

Vú sữa là một trong những loại trái cây được xếp vào sản phẩm đặc sản trong quy hoạch phát triển cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng. Do đó, "giữ vững thương hiệu - duy trì, mở rộng vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu" được ngành nông nghiệp tỉnh này đặc biệt quan tâm.

Đến nay, Sóc Trăng có 2.208ha trồng vú sữa (tăng hơn 300ha so với năm 2019), tỉnh được cấp 25 mã số vùng trồng với tổng diện tích 193,95ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo ông Trần Vĩnh Nghi - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, ngoài tăng cường hướng dẫn nhà vườn trồng theo hướng VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt trong niên vụ 2023, nhà vườn áp dụng thành công biện pháp cho cây ra trái rải vụ, thời gian thu hoạch kéo dài chứ không chín tập trung như trước.

Ông Nguyễn Đình Toàn đánh giá, bà con trồng vú sữa ở Sóc Trăng hiện nay đã thay đổi tư duy canh tác từ sản xuất truyền thống sang thân thiện với môi trường, chủ động bao trái để tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, có mẫu mã đẹp, có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài nước.

"Khi nhà vườn trồng cây có trái đạt chuẩn xuất khẩu không chỉ giữ uy tín cho mình mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu cho trái cây Việt Nam", ông Toàn nhận định và cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn bà con áp dụng canh tác kỹ thuật cao, hướng đến 70% trái trong vườn đạt chuẩn xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn