MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng thường xuyên cập nhật tình hình độ mặn của nước để kịp thời thông báo đến người dân. Ảnh: Phương Anh

Sóc Trăng khẩn trương ứng phó xâm nhập mặn

PHƯƠNG ANH LDO | 17/02/2024 15:15

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn sông Hậu, tiếp giáp với biển Đông. Hằng năm, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập vào những tháng mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau). Do đó, ngay từ đầu năm, các ngành chức năng, người dân đã chủ động ứng phó nhằm tránh rủi ro, hạn chế thiệt hại, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nông dân sống cùng hạn mặn

Ghi nhận tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) mặc dù cách biển 42 - 64km, nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, nước mặn xâm nhập vào sâu nội đồng, với số liệu đo mặn cao nhất tại trung tâm huyện Kế Sách khoảng 4,4g/l (phần nghìn).

Để bảo vệ khoảng 18.000ha cây ăn trái trong đó có nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng lại "mẫn cảm" với nước mặn như sầu riêng, xoài, vú sữa, măng cụt... người dân địa phương đã chủ động mua thiết bị đo mặn, thử nồng độ nước mặn trước khi lấy nước tưới cho cây.

Ông Đoàn Văn Út Xuân ở xã Xuân Hòa (Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, sau nhiều năm “sống” cùng hạn mặn ông và nhiều nhà vườn chuyên canh sầu riêng đã tích lũy kinh nghiệm nên chủ động mua thiết bị đo mặn để thử nước trước khi bơm vào vườn tưới cho cây.

“Gia đình cũng chủ động nạo vét ao, mương để dự trữ nước ngọt phòng tránh tình trạng mặn xâm nhập kéo dài, thiếu nước ngọt” - ông Xuân nói.

Tương tự, với những diện tích lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn tỉnh cũng được nông dân ráo riết theo dõi.

Ông Trần Văn Phương ở xã Thới An Hội (Kế Sách, Sóc Trăng) cho hay, mỗi ngày đều cập nhật tình hình xâm nhập mặn trên báo, đài để chủ động nguồn nước tưới cho 1ha lúa đang đẻ nhánh, làm đòng.

“Lúa giai đoạn này rất mẫn cảm, nếu lấy phải nước mặn vào ruộng thì cây sẽ bị còi cọc, không đủ sức ra bông, tạo gạo... Vì vậy phải thường xuyên theo dõi độ mặn để kịp thời có giải pháp ứng phó” - ông Phương cho biết thêm.

Bên cạnh đó những địa phương như huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên... thời điểm này nhiều bà con đưa cây màu như dưa hấu, đậu bắp xuống đất ruộng để thay thế lúa. Đây là những loại cây trồng cần ít nước, phù hợp trong giai đoạn mùa khô.

Khẩn trương nhiều giải pháp

Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn từ các sông giáp với sông Hậu), chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30 - 50ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều.

Khi nước mặn bắt đầu xâm nhập vào địa bàn, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương thường xuyên phân công cán bộ kiểm tra nồng độ mặn để kịp thời phát hiện và thông báo thông qua hệ thống Đài Truyền thanh, mạng xã hội cho người dân biết để có giải pháp ứng phó hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), để bảo vệ hơn 4.700ha cây ăn trái và khoảng 2.800ha mía ngành chức năng xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng cống ngăn mặn, vận hành thông suốt, đảm bảo hệ thống đê bao an toàn; triển khai những mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất.

Còn ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đối với diện tích lúa Đông Xuân muộn hiện khoảng 31.000ha, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong khoảng 15 ngày nếu mặn xâm nhập.

Đồng thời, theo dõi, cập nhật, thông tin về số liệu đo mặn trên các sông, kênh, rạch đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó và có kế hoạch trữ nước vào thời điểm độ mặn ở mức cho phép.

“Những nơi chưa xuống giống lúa Đông Xuân muộn thì khuyến cáo người dân không nên sản xuất mà chuyển sang các mô hình hạn chế sử dụng nước ngọt như đưa màu xuống chân ruộng” - ông Đạo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn