MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sóc Trăng: Người dân bất an trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng

Văn Sỹ LDO | 07/07/2022 09:50

Sóc Trăng - Những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hơn 30 đoạn đường, đê bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 700 mét. Đáng lo ngại hơn, dự báo tình hình sạt lở sẽ còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Lo lắng vì sạt lở ngày càng nhiều!

Theo ghi nhận, những ngày gần đây tình trạng sạt lở trên tuyến Hương lộ 6 huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng người dân sống gần nơi sạt lở rất lo lắng, bất an.

Một người dân kể lại: “Bữa trước có một khuỷnh đất bị sạt lở nhẹ, khi đó các anh ở xã vô khảo sát thấy có mấy cây dừa dưới bến sông đã kêu bà con chặt bỏ để giảm nguy cơ sạt lở, người dân đã cưa bỏ mấy cây dừa, tuy nhiên, tối đó sạt lở còn nặng hơn”.

Con đường nhựa ô tô Hương lộ 6 huyện Kế Sách, Sóc Trăng bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Văn Sỹ

“Đêm đó, khoảng 3, 4 giờ sáng tôi đang ngủ thì nghe chó sủa quá chừng, lấy đèn ra rọi xem thì thấy lở hết phần đất cặp mé sông, nửa con lộ nhựa cũng sụp xuống sông sâu. Khoảng 2 tuần qua, vợ chồng tôi và bà con xung quanh cũng lo lắng, sạt lở nữa thì sẽ sụp đổ nhà cửa. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có biện pháp khắc phục tạm thời cũng như về lâu dài ngăn chặn tình trạng sạt lở này để yên tâm hơn”, ông Trần Hoàng Lương, xã An Mỹ, huyện Kế Sách bày tỏ.

Một trong những khu vực sạt lở ở khúc cua của dòng sông. Ảnh: Văn Sỹ

Cách Hương lộ 6 không xa, bên kia bờ sông một số đoạn bê tông là đường đê bao bảo vệ sản xuất của người dân cũng bị sạt lở nặng. Trong đó, một số đoạn này sạt lở hoàn toàn xuống sông, gây sụp lún đường, người dân nhanh chóng di dời phần mặt đường để đi tạm.

Ông Lê Văn Hiền, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, lo lắng: “Đoạn đường này sạt lở nhanh, bất ngờ, cũng may là lúc đó không có ai đi ngang, nếu không thì nguy hiểm lắm. Bây giờ anh em chúng tôi di dời phần lộ đan vô trong để đi tạm. Nhưng mà vẫn lo, chắc là vài ngày nữa sẽ sạt lở sâu vô sẽ không đi lại được”.

Người dân xã An Mỹ di dời một số miếng lộ bê tông vào bên trong khu vực sạt lở để khắc phục việc đi lại. Ảnh: Văn Sỹ

“Ở đây vườn cây ăn trái hơn 2.000 ha, rồi nền nhà cũng thấp, nếu vỡ đê bao này thiệt hại nhiều lắm. Mong chính quyền có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở này”, ông Hiền mong muốn!.

Những biện pháp ứng phó tạm thời

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp với các địa phương khảo sát và nắm tình hình tại các điểm sạt lở vừa xuất hiện để tham mưu đề xuất các giải pháp khắc phục tạm thời và kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại tài sản và tính mạng người dân.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm. Cụ thể là khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung. 

Một đoạn đường thuộc xã Mỹ An, huyện Kế Sách bị đứt gãy do sạt lở đất, người dân đổ đá tạm phía trong để đi lại. Ảnh Văn Sỹ

“Đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn chỉ mang tính khắc phục tạm thời, vì xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó. Về lâu dài, tỉnh cần nguồn kinh phí để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông là rất lớn nên cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí trung ương để thực hiện”, ông Đạo cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn