MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoạn sông tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân. Ảnh: Nhật Hồ

Sóc Trăng: Nhiều điểm sạt lở đe dọa cuộc sống người dân

NHẬT HỒ LDO | 29/05/2022 17:14
Sóc Trăng – Hàng loạt điểm sạt lở tại huyện Kế Sách, Cù Lao Dung đe dọa đến cuộc sống bình thường của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn huyện Kế Sách, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 11 đoạn bị sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn với chiều dài trên 470 mét.

Đến nay đã xử lý sạt lở được 3 đoạn, còn lại 7 đoạn, chiều dài trên 370 mét do chưa bố trí được nguồn vốn khắc phục.

Cũng trong năm 2021 vừa qua, trên địa bàn huyện Kế Sách cũng đã xảy ra sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn 54 đoạn với chiều dài hơn 1.500 mét; sạt lở đê ở các cồn sông 19 đoạn với chiều dài hơn 1.000 mét, hiện đã khắc phục xong. 

Kế Sách là một trong những địa phương của tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông do địa phương này có hệ thống kênh, rạch chằng chịt và có nhiều địa bàn nằm ven sông Hậu.

Trong những năm gần đây, trước tác động ngày càng nhanh, mạnh của tình trạng biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn huyện diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân trên địa bàn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo, những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng... trên địa bàn tỉnh xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa, lũ, triều cường. Nhất là tại các khu vực ven sông Hậu và các địa phương của huyện Kế Sách.

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Cụ thể, khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1 huyện Cù Lao Dung.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn tỉnh (xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó) chỉ mang tính khắc phục tạm thời. Về lâu dài, cần được các nhà khoa học nghiên cứu để có giải pháp thích ứng tối ưu; đồng thời, nguồn kinh phí để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông là rất lớn và cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí trung ương để thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn