MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hộ bà Lâm Mỹ Hạnh thoát nghèo nhờ được vay vốn nuôi bò sữa và hỗ trợ nhà ở. Ảnh: VĂN SỸ

Sóc Trăng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VĂN SỸ LDO | 21/03/2023 08:02

Những năm qua, Sóc Trăng đã tích cực triển khai các chính sách và nhiều mặt công tác chăm lo, phát triển kinh tế, qua đó góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào Khmer.

Giảm gần 3.000 hộ nghèo Khmer

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác chăm lo cho đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng là công tác giảm nghèo. Theo đó, trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm tỉnh đã giảm nghèo từ 2.500 - 3.000 hộ. Trong đó, năm 2022, toàn tỉnh giảm trên 3.000 hộ nghèo Khmer thông qua việc giúp đỡ vốn, phương tiện sản xuất, trao tặng nhà ở, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất…

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, bà Lâm Mỹ Hạnh (ở ấp Bờ Đập, xã Viên An, huyện Trần Đề) cho biết, trước đây gia đình bà thuộc hộ nghèo không có đất ruộng sản xuất nên “ai thuê gì làm nấy”, luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2021, gia đình bà được hỗ trợ vay vốn mua bò sữa nuôi và được hỗ trợ nhà ở nên giờ đây có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Khởi sắc từ chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong năm 2022, với nguồn vốn thực hiện chương trình gần 243 tỉ đồng; vốn tín dụng cho vay với tổng kinh phí 56 tỉ đồng. Từ nguồn vốn trên, tỉnh đã thực hiện 48 công trình đường giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 3 công trình mạng lưới chợ; 4 công trình nước tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 197 hộ; hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ…

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, năm 2023, tổng vốn huy động thực hiện chương trình là trên 413 tỉ đồng. Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đến các hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đặc biệt khó khăn; Đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ...

“Để thực hiện chương trình hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất chuyển nguồn vốn phân bổ cho Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất sang nguồn vốn sự nghiệp. Riêng nguồn vốn đã phân bổ cho Dự án 1, kiến nghị xem xét chuyển nguồn bổ sung cho Dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với các xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được đầu tư 1 năm tiếp theo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các xã nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện một số công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo dân tộc thiểu số, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống” - ông Trần Văn Lâu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn